Đức - nước hiện đảm nhận vai trò chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) - cho rằng cần phải đạt được một thỏa thuận hạt nhân Iran mới ở phạm vi rộng lớn hơn để kiềm chế chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran, đồng thời cảnh báo thỏa thuận hạt nhân năm 2015 là vẫn chưa đủ.
Trả lời phỏng vấn của tạp chí Spiegel ngày 4/12, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nêu rõ: "Cần có một hình thức 'thỏa thuận hạt nhân cộng' phù hợp với lợi ích của chúng tôi."
Ông bày tỏ hy vọng về một nước Iran không có vũ khí hạt nhân cũng như chương trình tên lửa đạn đạo và đóng một vai trò khác trong khu vực.
Thỏa thuận hạt nhân Iran được biết đến với tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) đã được Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) ký năm 2015.
[Iran kêu gọi Tổng thống đắc cử Joe Biden dỡ bỏ biện pháp trừng phạt]
Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi JCPOA vào tháng 5/2018 và thực hiện chiến dịch "gây áp lực tối đa" chống lại Iran với các lệnh trừng phạt.
Để đáp trả lại động thái này của Mỹ, kể từ tháng 5/2019, Iran đã dần từ bỏ các nghĩa vụ quan trọng trong thỏa thuận JCPOA.
Trong khi Tổng thống đương nhiệm Trump luôn tìm cách gây sức ép tối với Iran, thì Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đã cho thấy khả năng Washington có thể quay lại JCPOA như là điểm khởi đầu để thực hiện các cuộc đàm phán hạt nhân tiếp theo nếu Iran trở lại tuân thủ thỏa thuận.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif phản đối việc đàm phán lại thỏa thuận này./.