Ngày 24/9, các nước châu Âu dọc tuyến đường mà hơn 1 triệu người di cư sử dụng để vào lục địa này hồi năm ngoái đã nhất trí tập trung vào những biện pháp "có thể dễ dàng đạt được hơn" nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư mới.
Thông báo trên được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Áo giữa lãnh đạo các nước khu vực Balkan cùng với Đức trong nỗ lực tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng đang gây rạn nứt sâu sắc trong EU cũng như rung chuyển chính trường các nước thành viên.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng đã có nhiều tiến triển đạt được trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng và thỏa thuận đạt được với Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề này là cần thiết. Bà kêu gọi EU cần có thêm nhiều thỏa thuận tương tự với các nước thứ ba khác nhằm chuyển khỏi châu Âu những người di cư không đủ điều kiện tị nạn. Theo đó, châu Âu không chỉ cần đạt thỏa thuận với các nước châu Phi, mà còn cả với Pakistan và Afghanistan, để có thể chấm dứt tình trạng nhập cư bất hợp pháp.
Trong khi đó, Thủ tướng Áo Christian Kern bày tỏ hi vọng tiến triển đạt được trong những vấn đề như hỗ trợ nhiều hơn cho Hy Lạp - nơi đang có hàng nghìn người nhập cư mắc kẹt sau khi Áo và các nước Balkan thắt chặt kiểm soát biên giới hồi đầu năm; thực thi thỏa thuận đạt được với Thổ Nhĩ Kỳ; cũng như bổ sung nhân lực cho lực lượng bảo vệ biên giới EU, sẽ giúp phá vỡ bất đồng trong khối liên quan đến cuộc khủng hoảng hiện nay.
Tuy nhiên, Thủ tướng Hungary Viktor Orban lại cho rằng EU cần chuẩn bị kế hoạch B trong trường hợp thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ bị đổ vỡ, dù với bất kì lí do nào. Ông Orban cũng đề xuất EU nên thiết lập một "thành phố tị nạn khổng lồ" ở bờ biển Libya, song không cho biết thêm chi tiết. Theo ông, Libya và Ai Cập là hai đối tác quan trọng và "EU cần một chính sách Libya mới."
Tại một cuộc họp cấp cao khác diễn ra trong tuần trước, lãnh đạo các nước EU đã cam kết tăng cường bảo vệ biên giới Bulgary với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời tăng cường hợp tác giữa cơ quan an ninh hai nước. Khi đó, Áo - nước đã tiếp nhận 90.000 người nhập cư trong năm 2015, nhiều hơn 1% tổng dân số nước này - khẳng định không thể đối phó với làn sóng người nhập cư khác, đồng thời bày tỏ mong muốn có một giải pháp sâu rộng hơn để đảm bảo kịch bản này không xảy ra./.