Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, ngày 22/7, Chính phủ Đức khẳng định không ủng hộ chính sách của Israel chiếm đóng các vùng lãnh thổ Palestine.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức Christian Wagner đưa ra tuyên bố trên với các phóng viên tại Berlin sau khi Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) ngày 19/7 ra phán quyết xác nhận quyền tự quyết của người Palestine và khẳng định phải di dời các khu định cư Israel tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.
Ông Wagner nhấn mạnh dù ủng hộ Israel vì trách nhiệm lịch sử đối với nước này, nhưng điều đó không đồng nghĩa Berlin ủng hộ chính sách chiếm đóng của Israel. Ông Wagner cho biết Đức đã nhiều lần nêu rõ lập trường và quan điểm đối với chính sách định cư của Israel.
Tương tự, Phó phát ngôn viên Chính phủ Đức Christiane Hoffmann cũng khẳng định rằng văn bản pháp lý của ICJ phù hợp với quan điểm của Đức về vấn đề này, dù không mang tính ràng buộc nhưng có ý nghĩa quốc tế.
Về phần mình, Ngoại trưởng Đức, bà Annalena Baerbock, cũng kêu gọi Israel xem xét nghiêm túc văn bản pháp lý của ICJ về chính sách chiếm đóng của nước này.
Phát biểu bên lề Hội nghị ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels, bà Baerbock nhấn mạnh rằng cho dù văn bản của ICJ không mang tính ràng buộc, song là một sự “đột phá,” cho thấy trách nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel-Palestine.
Trong khi đó, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell cho biết phán quyết của ICJ sẽ là một chủ đề được Ngoại trưởng các nước EU thảo luận trong cuộc họp tại Brussels.
Ông Borrell khẳng định phán quyết từ ICJ - cơ quan pháp lý cao nhất của Liên hợp quốc - cần phải được thực hiện ngay lập tức.
Đại diện cấp cao của EU nhấn mạnh những gì đang xảy ra ở Gaza là một thảm họa nhân đạo do con người gây ra và đã đến mức độ không thể chịu đựng được, với 17.000 trẻ mồ côi và gần 40.000 người đã thiệt mạng. Để xây dựng lại Gaza, cần 10 năm để dọn dẹp các đống đổ nát.
Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, hội nghị tại Brussels được coi là diễn đàn để các nước EU thống nhất lập trường về tình hình ở Gaza.
Ngoại trưởng Bỉ Hadja Lahbib nhấn mạnh cần nỗ lực hướng đến một nền hòa bình công bằng và EU phải thông nhất tiếng nói chung về vấn đề này.
Ngoại trưởng Lahbib cho rằng cần có một tiến trình hòa bình dẫn đến giải pháp hai nhà nước đối với cuộc xung đột Israel-Palestine. Bà cũng bày tỏ hoan nghênh phán quyết của ICJ về các khu định cư của Israel, đồng thời hối thúc Chính phủ Israel tuân thủ phán quyết.
Trong phán quyết đưa ra ngày 19/7, ICJ xác nhận rằng hoạt động chiếm đóng và định cư cũng như các chính sách liên quan của Israel là bất hợp pháp và vi phạm quyền tự quyết của người Palestine.
Đây là phán quyết mạnh mẽ nhất cho đến nay của tòa án quốc tế liên quan cuộc xung đột Israel-Palestine.
Ý kiến pháp lý của các thẩm phán ICJ tuy không mang tính ràng buộc nhưng có giá trị theo luật pháp quốc tế và có thể làm suy yếu sự ủng hộ dành cho Israel.
Phản ứng về động thái trên của ICJ, Bộ Ngoại giao Israel cho rằng tòa án "thiên vị," đồng thời nhắc lại rằng giải pháp chính trị trong khu vực chỉ có thể đạt được thông qua đàm phán.
Cùng ngày 22/7, Namibia hoan nghênh phán quyết trên của ICJ đối với các chính sách và hoạt động của Israel tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Bộ trưởng quan hệ và hợp tác quốc tế Namibia Peya Mushelenga mong muốn cộng đồng quốc tế sẽ đề nghị Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hỗ trợ thực hiện phán quyết, thể hiện sự tôn trọng luật pháp và các cơ quan tư pháp quốc tế./.
Tòa án ICJ ra phán quyết mạnh mẽ nhất về xung đột Israel-Palestine
Ý kiến pháp lý của các thẩm phán tại ICJ tuy không mang tính ràng buộc nhưng có giá trị theo luật pháp quốc tế và có thể làm suy yếu sự ủng hộ dành cho Israel.