Đức lo ngại việc Iran trì hoãn đàm phán thỏa thuận hạt nhân

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng Iran đang trì hoãn trong đàm phán, đồng thời cảnh báo cơ hội khôi phục thỏa thuận hạt nhân 2015 không phải vô thời hạn.
Đức lo ngại việc Iran trì hoãn đàm phán thỏa thuận hạt nhân ảnh 1Ngoại trưởng Đức Heiko Maas phát biểu với báo giới tại Brussels, Bỉ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 30/7, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng Iran đang trì hoãn trong đàm phán, đồng thời cảnh báo cơ hội khôi phục thỏa thuận hạt nhân 2015 không phải vô thời hạn.

Trả lời phỏng vấn của tờ Der Spiegel, Ngoại trưởng Maas bày tỏ lo ngại việc Iran một mặt trì hoãn nối lại tiến trình đàm phán về thỏa thuận hạt nhân diễn ra ở Vienna (Áo), mặt khác dần thu hẹp các cam kết đưa ra trong thỏa thuận. Ông đồng thời nhấn mạnh cơ hội khôi phục thỏa thuận này sẽ không "mở ra mãi mãi."

Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng tuyên bố tiến trình đàm phán với Iran về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 không thể diễn ra vô thời hạn.

[Mỹ đề cập về khả năng tiếp tục đàm phán hạt nhân với Iran]

Các phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh Iran vừa thông báo các cuộc đàm phán tại Vienna sẽ không được nối lại trước khi chính phủ mới của nước này nhậm chức vào tháng 8 tới.

Iran và các cường quốc đã nối lại đàm phán vào tháng 4 vừa qua tại Vienna (Áo) nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân có tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) được các bên ký kết năm 2015.

Sau khi rút khỏi thỏa thuận năm 2018, Mỹ tham gia gián tiếp các cuộc đàm phán hiện nay. Đến nay, các bên đã trải qua 6 vòng đàm phán, gần đây nhất là vào ngày 20/6, hai ngày sau khi ông Ebrahim Raisi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Iran.

Theo một số nguồn tin, các bên hiện còn bất đồng về những vấn đề trọng tâm như các bước Tehran cần thực hiện để trở lại tuân thủ thỏa thuận cũng như các bước nới lỏng trừng phạt mà Washington có thể thực hiện và các hành động cụ thể phải thực hiện nếu đạt được thỏa thuận.

Cho đến nay, các bên còn lại tham gia đàm phán chưa thông báo thời điểm có thể nối lại hoạt động này.

JCPOA quy định Iran làm giàu urani ở mức độ 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% có thể tạo ra vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt Iran năm 2018, Tehran đã dần thu hẹp các cam kết của mình trong thỏa thuận.

Cho đến nay, Iran đã làm giàu urani lên tới độ tinh khiết 60%. Sau khi nhậm chức tháng 1 năm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết Mỹ tham gia trở lại thỏa thuận JCPOA và Washington cho rằng Tehran cũng muốn như vậy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.