Đức: Lực lượng ly khai Ukraine nên tham gia đối thoại

Thủ tướng Angela Merkel ủng hộ việc để các lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine tham gia đối thoại nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình.
Đức: Lực lượng ly khai Ukraine nên tham gia đối thoại ảnh 1 Lực lượng biểu tình có vũ trang đóng chốt tại thành phố Donetsk ngày 6/5. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hãng tin DPA của Đức ngày 7/5 dẫn các nguồn tin cho biết Thủ tướng nước này Angela Merkel ủng hộ việc để các lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine tham gia đối thoại nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại nước này.

Nguồn tin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ủng hộ đề xuất của bà Merkel về cuộc "đối thoại bàn tròn" với sự tham gia của tất cả các bên xung đột, trong đó có cả lực lượng ly khai.

Đây là sáng kiến mới, chưa được biết cho tới nay. Tuy nhiên, chính quyền Kiev vẫn bác bỏ đối thoại với lực lượng mà họ gọi là "khủng bố" này.

Thủ tướng Merkel và Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cùng ngày đã có cuộc gặp không chính thức với ứng cử viên tổng thống Ukraine Pjotr Poroschenko ở thủ đô Berlin.

Theo Người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert, tại cuộc gặp ông, Thủ tướng Merkel đã nêu bật "tầm quan trọng của việc sẵn sàng đàm phán và đối thoại" vì cuộc bầu cử tổng thống tới đây ở Ukraine.

Ông Poroschenko mặc dù ủng hộ đề xuất tiến hành hội nghị lần thứ hai ở Geneva song bác bỏ việc tiến hành đối thoại với các lực lượng ly khai ở miền Đông và Nam Ukraine, cho rằng "họ không đại diện cho ai."

Cùng ngày, phát biểu trước Quốc hội Đức, Ngoại trưởng Steinmeier cảnh báo lục địa châu Âu đang đứng trước nguy cơ một cuộc đối đầu mới.

Theo ông, cuộc bầu cử theo kế hoạch diễn ra vào 25/5 phải được tiến hành, bởi đó cũng là điều Moskva mong muốn do Chính phủ Nga vẫn hoài nghi tính hợp pháp của ban lãnh đạo lâm thời Ukraine./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.