Đức: Lục soát văn phòng Bộ trưởng Tài chính điều tra nghi án rửa tiền

Việc lục soát là một phần trong khuôn khổ cuộc điều tra nhằm vào Cơ quan Tình báo tài chính bị khiếu nại không chuyển tiếp các báo cáo về các nghi án rửa tiền của các ngân hàng cho cơ quan cảnh sát.
Đức: Lục soát văn phòng Bộ trưởng Tài chính điều tra nghi án rửa tiền ảnh 1Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz và Thủ tướng Angela Merkel. (Nguồn: Reuters)

Ngày 9/9, cảnh sát Đức đã lục soát văn phòng Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Tư pháp nước này tại thủ đô Berlin để phục vụ công tác điều tra về những khiếu nại liên quan đến rửa tiền.

Theo các công tố viên thành phố Osnabrueck, đây là một phần trong khuôn khổ cuộc điều tra nhằm vào Cơ quan Tình báo tài chính (FIU) - đơn vị chống rửa tiền thuộc Hải quan Đức, bị khiếu nại không chuyển tiếp các báo cáo về các nghi án rửa tiền của các ngân hàng cho cơ quan cảnh sát và tư pháp. Cơ quan công tố đã bắt đầu điều tra FIU từ năm 2020.

Tuy nhiên, xem xét các tài liệu thu được trong quá trình lục soát tại trụ sở của FIU tại Cologne trước đó cho thấy giữa FIU và hai bộ đều có sự trao đổi thường xuyên. Cơ quan công tố Đức đang tìm cách xác định có hành vi phạm tội ở đây hay không và nếu có, ai sẽ là người chịu trách nhiệm.

Trong một tuyên bố, Bộ Tài chính Đức cam kết sẽ hỗ trợ tích cực công tác điều tra, đồng thời nhấn mạnh cuộc điều tra này không nhằm vào nhân viên của bộ.

[Phần lớn dân Đức muốn ông Soder là ứng viên thủ tướng của CDU/CSU]

FIU trước đây là một đơn vị cảnh sát và năm 2017 đã được điều chuyển sang Cơ quan Hải quan thuộc Bộ Tài chính Đức. Ông Olaf Scholz hiện là Bộ trưởng Tài chính và ông cũng là ứng cử viên sáng giá của đảng Dân chủ Xã hội kế nhiệm bà Angela Merkel sau cuộc bầu cử vào ngày 26/9.

Các công tố viên ở Osnabrueck mở cuộc điều tra sau khi phát hiện FIU đã không theo dõi một báo cáo từ một ngân hàng về khoản thanh toán khả nghi lên tới hơn 1 triệu euro ở châu Phi vào năm 2018.

FIU cũng bị cáo buộc không minh bạch các thông tin về Wirecard, công ty fintech lừng lẫy một thời của Đức nhưng đã phá sản vào năm ngoái do vụ bê bối gian lận lên tới hơn gần 2 tỷ euro (hơn 2 tỷ USD).

Theo truyền thông Đức, FIU đã không chuyển hàng trăm báo cáo về giao dịch nghi vấn của Wirecard. Cơ quan quản lý ngân hàng Bafin thuộc Bộ Tài chính Đức cũng đã bị chỉ trích vì không giám sát chặt chẽ hoạt động của Wirecard và đang trong quá trình cải cách sâu rộng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.