Đức mong muốn Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục là thành viên NATO

Đức mong muốn Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục là thành viên NATO, muốn giữ quan hệ gần gũi với Thổ Nhĩ Kỳ và không muốn đẩy Ankara vào thế cô lập liên quan tới các vấn đề đối ngoại.
Đức mong muốn Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục là thành viên NATO ảnh 1Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sau khi đa số dân chúng Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ gia tăng quyền lực cho Tổng thống nước này Tayyp Erdogan, Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ nên tiếp tục là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Ngoại trưởng Gabriel nhấn mạnh Đức mong muốn Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục là thành viên NATO, muốn giữ quan hệ gần gũi với Thổ Nhĩ Kỳ và không muốn đẩy Ankara vào thế cô lập liên quan tới các vấn đề đối ngoại, hoặc thậm chí để nước này ngả theo Nga.

Tuyên bố này được ông Gabriel đưa ra để phản ứng với lời kêu gọi của đảng Cánh tả tiến hành thảo luận về việc loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi khối liên minh quân sự NATO.

Liên quan nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Gabriel cũng cho rằng điều này phụ thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ và nước này không nên tách mình khỏi châu Âu, bởi đó cũng là lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Ngoại trưởng Đức, EU và Thổ Nhĩ Kỳ cần có "mô hình đối thoại mới," đồng thời ông phản đối những ý kiến kêu gọi ngừng đàm phán về gia nhập EU với Thổ Nhĩ Kỳ khi các chính trị gia hàng đầu Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU), đảng Cánh tả và đảng Dân chủ tự do (FDP) yêu cầu chấm dứt đàm phán về việc dành cho Thổ Nhĩ Kỳ quy chế thành viên EU.

[Thổ Nhĩ Kỳ có thể tổ chức trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU]

Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz và Chủ tịch nhóm nghị sỹ đảng nhân dân châu Âu (EVP) bảo thủ Manfred Weber cũng đã đề nghị chấm dứt đàm phán về gia nhập EU với Thổ Nhĩ Kỳ.

Chiến dịch vận động cử tri Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ sửa đổi Hiến pháp nước này thời gian qua đã dẫn tới sự bất đồng sâu sắc giữa Ankara và chính phủ nhiều nước châu Âu.

Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu đàm phán về việc gia nhập EU từ năm 2005, song đến nay, các cuộc đàm phán hầu như vẫn giậm chân tại chỗ. Tuy vậy, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nhận được sự hỗ trợ trị gia hàng tỷ euro từ EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.