Đức muốn có hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn toàn châu Âu

Phó phát ngôn viên Chính phủ Đức Georg Streiter ngày 23/11 cho biết chính phủ nước này ưu tiên tìm kiếm một giải pháp hạn ngạch toàn châu Âu cho bài toán người tị nạn hiện nay.
Đức muốn có hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn toàn châu Âu ảnh 1Đương kim Chủ tịch đảng Horst Seehofer (trái) và Thủ tướng Angela Merkel. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phó phát ngôn viên Chính phủ Đức Georg Streiter ngày 23/11 cho biết chính phủ nước này ưu tiên tìm kiếm một giải pháp hạn ngạch toàn châu Âu cho bài toán người tị nạn hiện nay, trong đó quyền cơ bản về tị nạn vẫn được duy trì.

Ông Streiter cho biết trong vấn đề người nhập cư, Chính phủ Đức mong muốn đặt ra những quy định quy mô toàn châu Âu thay vì chỉ ở nước Đức.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi đảng Liên minh Xã hội cơ đốc giáo (CSU) kêu gọi áp đặt mức trần tiếp nhận người tị nạn ở Đức.

Thủ hiến bang Sachsen-Anhalt Reiner Haseloff cũng kêu gọi áp đặt mức trần tiếp nhận ở mỗi bang, trong đó mức trần ở bang Sachsen-Anhalt là 12.000 người/năm.

Chuyên gia về nội vụ của liên đảng bảo thủ Stephan Mayer cũng đề nghị đặt mức trần tiếp nhận 500.000 người tị nạn/năm ở Đức.

Trong khi đó, chỉ trong ba tuần đầu tháng 11 này, cảnh sát liên bang Đức đã ghi nhận gần 180.000 người nhập cư bất hợp pháp vào nước này bất chấp thời tiết giá lạnh và nhiều nơi đã có tuyết rơi.

Dự báo tháng 11 này sẽ là thời điểm số người nhập cư bất hợp pháp vào Đức cao kỷ lục do vẫn còn hơn một tuần chưa thống kê. Tính trung bình, mỗi ngày trong tháng 11 này có khoảng 7.000-8.000 người di cư tới Đức. Điều đáng chú ý là những con số này mới chỉ dựa trên số liệu đăng ký tại các khu vực có kiểm soát ở biên giới, trên thực tế số người tị nạn vào Đức bằng tất cả các con đường lớn hơn nhiều.

Với con số thống kê trên, số người tị nạn đến Đức trong năm 2015- với dự báo khoảng 800.000 người - chắc chắn nhiều hơn đáng kể, khi cuối tháng 10 vừa qua đã có tới 758.500 người tị nạn tới nước này.

Giới quan sát cho rằng người tị nạn sẽ tiếp tục đổ vào Đức trong những tháng lạnh giá mùa Đông này, bởi đích đến của đa số vẫn là nền kinh tế hàng đầu châu Âu này.

Hiện CSU, đảng "chị em" của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel, phản đối mạnh mẽ chính sách nhập cư của bà Merkel.

Tuy nhiên, phát biểu tại đại hội của đảng CSU ngày 20/11 vừa qua, bà Merkel một lần nữa tuyên bố sẽ không thay đổi chính sách mở cửa với người di cư và tị nạn như đang làm hiện nay.

Trong một diễn biến liên quan tới vấn nạn di cư, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EU) Donald Tusk ngày 23/11 cho biết các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhóm họp tại Brussels (Bỉ) vào ngày 29/11 tới để thảo luận về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng di cư trầm trọng hiện nay, cũng như để cải thiện quan hệ giữa EU và Ankara.

Trên trang Twitter cá nhân, ông Tusk thông báo triệu tập một hội nghị thượng đỉnh EU-Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 29/11 tới để tìm kiếm biện pháp ngăn chặn làn sóng di cư ồ ạt đang tràn vào "lục địa già," đồng thời cũng để giúp cải thiện quan hệ giữa EU và Ankara.

Hiện giới lãnh đạo EU đang đối mặt với cuộc khủng hoảng người tị nạn quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai và đang gấp rút tìm kiếm sự giúp đỡ của chính quyền Ankara nhằm ngăn chặn dòng người di cư đổ vào EU qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.