Đức: Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt Iran có thể làm gia tăng bất ổn

Ngoại trưởng Đức cảnh báo quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump tái áp đặt trừng phạt Iran có thể làm gia tăng bất ổn tại Trung Đông và thúc đẩy các thế lực cực đoan trong khu vực này.
Đức: Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt Iran có thể làm gia tăng bất ổn ảnh 1Ngoại trưởng Đức Heiko Maas. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 8/8, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cảnh báo quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump tái áp đặt trừng phạt Iran có thể làm gia tăng bất ổn tại Trung Đông và thúc đẩy các thế lực cực đoan trong khu vực này.

Sau khi đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh hành pháp tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran, đồng thời khẳng định chính sách của Washington là "gây sức ép tối đa về kinh tế" đối với nước Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Trong khi gói trừng phạt thứ nhất nhắm vào các giao dịch mua USD, các kim loại quý và các mặt hàng xuất khẩu của Iran, gói thứ hai được coi là hết sức mạnh tay nhằm "triệt tiêu" nguồn thu từ dầu mỏ của nước này.

Ông cũng tuyên bố các công ty làm ăn với Iran sẽ bị cấm giao dịch với Mỹ khi các biện pháp trừng phạt mới của Washington đối với Tehran có hiệu lực.

[Iran: Thế giới "chán nản" với hành động đơn phương của Mỹ]

Trả lời phỏng vấn nhật báo Passauer Neue Presse của Đức, Ngoại trưởng Maas khẳng định: "Đây là một sai lầm."

Ông cho biết thế giới đang đấu tranh cho thỏa thuận hạt nhân trên vì văn kiện này cũng phục vụ mục đích chung khi đem lại an ninh và sự minh bạch đến cho khu vực này.

Nhấn mạnh tới vị trí địa lý sát sườn của Iran với châu Âu, Ngoại trưởng Maas cảnh báo "bất kỳ ai hy vọng thay đổi chế độ không nên quên rằng những gì xảy ra sau đó có thể gây ra những vấn đề lớn hơn đối với chúng ta."

Theo ông, "việc cô lập Iran có thể thúc đẩy các thế lực cực đoan và trào lưu chính thống," "hỗn loạn tại Iran, như ở Iraq hay Libya, sẽ càng làm khu vực này bất ổn hơn."

Trong một nỗ lực nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran, các chính phủ châu Âu đã cam kết làm hết sức mình để duy trì các mối liên hệ làm ăn kinh doanh với Tehran.

Tuy nhiên, bất chấp thiện chí chính trị đó, nhiều công ty lớn của châu Âu, như nhà sản xuất xe hơi Daimler của Đức, đang nối đuôi nhau rời khỏi quốc gia Trung Đông này do lo ngại bị Mỹ trừng phạt.

Ngoài Đức, nhiều nước khác đã lên tiếng phản đối các biện pháp trừng phạt của Mỹ chống Iran.

Nga bày tỏ "thất vọng sâu sắc," Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi coi các biện pháp trừng phạt chống lại Iran là "một sai lầm chiến lược," trong khi Nhật Bản có kế hoạch tổ chức thêm các cuộc đàm phán với Mỹ để được miễn các lệnh trừng phạt tái áp đặt nhằm vào Iran.

Về phần mình, Trung Quốc khẳng định quan hệ làm ăn của mình với Iran là "cởi mở, minh bạch và hợp pháp," đồng thời phản đối các trừng phạt đơn phương của Mỹ.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc "không vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc," và nhấn mạnh "các quyền hợp pháp của Trung Quốc cần được bảo vệ"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.