Đức, Na Uy đề nghị NATO phối hợp bảo vệ cơ sở hạ tầng dưới biển

Tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Na Uy, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh các tuyến đường ống, cáp điện thoại, kết nối Internet là huyết mạch cho nước này và phải được bảo vệ đặc biệt.
Đức, Na Uy đề nghị NATO phối hợp bảo vệ cơ sở hạ tầng dưới biển ảnh 1Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) và người đồng cấp Na Uy Jonas Gahr Stoere. (Ảnh: Reuters)

Đức và Na Uy sẽ đề nghị Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phối hợp để bảo vệ cơ sở hạ tầng dưới biển của châu Âu.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và người đồng cấp Na Uy Jonas Gahr Stoere ngày 30/11 đã ra tuyên bố trên trong bối cảnh gần đây xảy ra các sự cố dẫn đến rò rỉ khí đốt của 2 tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và  2, nghi là hành động phá hoại.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung ở thủ đô Berlin, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nêu rõ: "Chúng tôi đang trong tiến trình đề nghị Tổng thư ký NATO thành lập một văn phòng điều phối bảo vệ cơ sở hạ tầng dưới biển. Chúng tôi rất coi trọng việc bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của mình. Đừng ai nghĩ rằng các cuộc tấn công sẽ tiếp diễn mà không có hậu quả."

Nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh các tuyến đường ống, cáp điện thoại, kết nối Internet là huyết mạch cho nước này và phải được bảo vệ đặc biệt.

Trong khi đó, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store cho biết sự phối hợp này sẽ là "một sáng kiến không chính thức để trao đổi giữa các bên dân sự và quân sự" với NATO đóng vai trò "một trung tâm, một điểm điều phối."

[Tìm thấy dấu vết chất nổ tại các đường ống Dòng chảy phương Bắc]

Nhà lãnh đạo Na Uy cho biết nước này có trách nhiệm quan trọng là bảo đảm nguồn cung khí đốt an toàn cho châu Âu sau khi Nga giảm xuất khẩu sang châu lục này.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, người đang ở Berlin tham dự một hội nghị về an ninh, hoan nghênh đề xuất trên của Đức và Na Uy.

Ông cho biết NATO đã tăng cường nỗ lực sau khi xảy ra sự cố đối với các đường ống dẫn Dòng chảy phương Bắc, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ hơn nữa các cơ sở hạ tầng dưới biển trước các hành động phá hoại trong tương lai.

Hồi đầu tháng này, tại một cuộc họp ở Berlin, các bộ trưởng nội vụ Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cảnh báo rằng các sự cố xảy ra đối với 2 tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc đã nhấn mạnh "sự cần thiết phải bảo vệ tốt hơn các cơ sở hạ tầng quan trọng của khối này"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.