Đức: Nguy cơ xảy ra khủng bố cao nhất trong hơn 40 năm qua

Một quan chức an ninh Chính phủ Đức tiết lộ rằng nguy cơ xảy ra tấn công khủng bố ở nước này hiện ở mức cao nhất kể từ cuối năm 1970.
Đức: Nguy cơ xảy ra khủng bố cao nhất trong hơn 40 năm qua ảnh 1Cảnh sát Đức cảnh giác với khủng bố. (Nguồn: AP)

Một quan chức an ninh Chính phủ Đức tiết lộ rằng nguy cơ xảy ra tấn công khủng bố ở nước này hiện ở mức cao nhất kể từ cuối năm 1970. Nguy cơ này không chỉ tập trung ở các đô thị lớn, mà có thể xảy ra ở tất các các địa phương tại Đức.

Báo Hình ảnh ngày 23/12 dẫn một nguồn thạo tin cho rằng bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra các vụ tấn công đa dạng về quy mô và cường độ tại Đức. Nguồn tin này cho rằng mối đe dọa khủng bố ở Đức hiện ở mức cao nhất kể từ cuối những năm 1970.

Theo các chuyên gia an ninh, Đức tiếp tục là mục tiêu khủng bố của các phần tử Hồi giáo xuất phát từ việc Berlin tham gia vào chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Nguy cơ xảy ra tấn công không chỉ nhằm vào các đô thị lớn mà cả các địa phương ở Đức. Bộ trưởng Nội vụ bang Rheinland-Pfalz, ông Roger Lewentz cảnh báo "mọi nơi ở Đức" đều có thể trở thành mục tiêu tấn công của các đối tượng Hồi giáo trở về Đức sau khi tham chiến tại Iraq hay Syria.

Theo ông, vụ đánh bom bất thành hồi năm 2006 nhằm vào một tàu điện ở Koblenz cũng như các trường hợp xảy ra ở nước ngoài cho thấy khủng bố thích lựa chọn những mục tiêu dễ tiếp cận và có đông người. Ông cho rằng các đối tượng khủng bố có thể mở địa bàn xuống "các tỉnh," do những đô thị lớn như Berlin được canh phòng và giám sát khá chặt chẽ.

 

Bộ trưởng Nội vụ bang Niedersachsen, ông Boris Pistorius cũng cho rằng giới chức an ninh cần hợp tác chặt chẽ hơn với các nhà cung cập dịch vụ mạng Internet, cũng như các mạng xã hội để nắm được các trường hợp Hồi giáo "cực đoan hóa."

Theo Cục Bảo vệ Hiến pháp (BfV) - cơ quan tình báo nội địa Đức, đã có ít nhất 550 đối tượng Hồi giáo cực đoan từ Đức tới tham chiến ở Syria và Iraq, trong đó, khoảng 180 người đã trở lại Đức. Những đối tượng trở về Đức đã được huấn luyện sử dụng vũ khí, chất nổ... Đây chính là những "quả bom hẹn giờ" đối với nước Đức.

Đã có khoảng 60 người Hồi giáo từ Đức bị tiêu diệt khi tham chiến ở Syria và Iraq, trong đó ít nhất 9 trường hợp là tấn công liều chết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.