Đức: Nhân viên y tế đình công, hoạt động khám chữa bệnh bị đình trệ

Một thành viên cấp cao của nghiệp đoàn Verdi cho rằng những người hằng ngày chăm sóc và cứu chữa bệnh nhân phải có khả năng trả được tiền thuê nhà và sống được bằng đồng lương của mình.

Đức đã đối mặt với nhiều hoạt động đình công của nhân viên các dịch vụ công. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đức đã đối mặt với nhiều hoạt động đình công của nhân viên các dịch vụ công. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhân viên y tế ở Đức đã tiến hành cuộc đình công hai ngày, bắt đầu từ ngày 23/11, khiến nhiều hoạt động khám chữa bệnh bị hủy, đặc biệt gây ảnh hưởng tới các bệnh viện đại học.

Nghiệp đoàn Verdi cho biết riêng tại bang North Rhine-Westphalia, miền Tây nước Đức, có 6 bệnh viện tham gia đình công.

Khoảng 300 nhân viên của Trung tâm Y tế Đại học Leipzig và 1.200 nhân viên từ các trung tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần ở bang Baden-Wuerttemberg (Tây Nam) cũng tham gia cuộc đình công này.

Lời kêu gọi đình công của nghiệp đoàn Verdi tác động đến tất cả các bệnh viện đại học và các trung tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Các nhân viên trong ngành đề nghị tăng 10,5% thu nhập, đồng thời mức tăng này phải đảm đảm ít nhất 500 euro (545 USD) mỗi tháng.

Một thành viên cấp cao của nghiệp đoàn Verdi, bà Sylvia Buehler cho rằng những người hằng ngày chăm sóc và cứu chữa bệnh nhân phải có khả năng trả được tiền thuê nhà và sống được bằng đồng lương của mình.

Bà cũng cảnh báo yêu cầu tăng lương sẽ có thể cao hơn trong bối cảnh thiếu hụt nhân viên y tế.

Đức đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân viên trong ngành y tế. Theo công ty tư vấn và kiểm toán PwC, lĩnh vực y tế nước này có thể thiếu tới 1,8 triệu nhân công - bao gồm bác sỹ, y tá, điều dưỡng và nhân viên khác - vào năm 2035.

Hiện nay, chỉ có 1/3 số bác sỹ hoặc y tá cho biết có kế hoạch tiếp tục công việc đã được đào tạo cho đến khi nghỉ hưu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.