Đức nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp

Thủ tướng Merkel muốn làm trung gian để hòa giải căng thẳng hiện nay giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, nhấn mạnh chủ trương giải quyết bất đồng thông qua đối thoại.
Đức nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp ảnh 1Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, một người phát ngôn Chính phủ Đức ngày 13/8 xác nhận Thủ tướng Đức Angela Merkel trong ngày đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis nhằm tìm cách hạ nhiệt căng thẳng giữa hai quốc gia vùng Địa Trung Hải này.

Người phát ngôn trên cho hay Thủ tướng Merkel muốn làm trung gian để hòa giải căng thẳng hiện nay giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Trong khi đó, nhà lãnh đạo này nhấn mạnh chủ trương muốn giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Báo Đức Spiegel đưa tin, từ đầu tuần qua, tàu nghiên cứu Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ, với sự hộ tống của các tàu chiến, đã lên đường tới vùng biển phía Nam đảo Rhodes và đảo Castellorizo của Hy Lạp để thăm dò khí đốt tự nhiên ở Địa Trung Hải.

Giống như Rhodes, đảo Castellorizo chỉ cách đất liền Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 2 km nhưng thuộc chủ quyền của Hy Lạp. Theo một số nguồn tin, sáng 13/8 đã xảy ra một vụ va chạm giữa một tàu khu trục của Hy Lạp và tàu hộ tống của Thổ Nhĩ Kỳ.

Giới chức Hy Lạp không đưa ra bình luận gì về những thông tin này, trong khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã cảnh báo về nguy cơ leo thang căng thẳng giữa hai bên.

Trong khi đó, theo truyền hình nhà nước Hy Lạp, ngày 13/8, các tàu chiến của nước này và Pháp đã tiến hành diễn tập ở phía Nam đảo Crete. Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự ở phía Đông Địa Trung Hải.

Pháp cùng với EU đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ ngừng khoan thăm dò dầu khí tại các vùng biển tranh chấp, đồng thời đưa ra những lời đe dọa về trừng phạt. Đây cũng sẽ là một chủ đề được các ngoại trưởng EU thảo luận trong cuộc họp trực tuyến bất thường ngày 14/8./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.