Tám công dân Afghanistan bị Đức trục xuất đã về đến thủ đô Kabul ngày 13/9, sau khi Berlin nối lại việc hồi hương người tị nạn Afghanistan vài tháng sau vụ tấn công bằng bom xe đẫm máu tại thủ đô của quốc gia Tây Nam Á này.
Đây là đợt hồi hương người tị nạn Afghanistan thứ 6 mà Đức thực hiện kể từ tháng 12 năm ngoái theo một thỏa thuận giữa Afghanistan và Liên minh châu Âu (EU) nhằm hạn chế làn sóng người di cư.
Tổ chức Di trú quốc tế xác nhận những người Afghanistan bị trục xuất trên đã về đến sân bay Kabul.
Kể từ khi số người tị nạn vào Đức vượt 1 triệu người trong năm 2015, chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel thể hiện lập trường cứng rắn đối với vấn đề người tị nạn, phần lớn đến từ Iraq, Syria và Afghanistan.
Berlin tiếp nhận phần lớn người tị nạn đến từ Syria, song cho rằng có thể đưa người tị nạn Afghanistan về nước an toàn, cho dù phiến quân Taliban cũng như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hoạt động khủng bố khắp nơi ở nước này.
Sau vụ đánh bom xe gần Đại sứ quán Đức nằm trong khu vực ngoại giao đoàn ở Kabul hôm 31/5 khiến khoảng 150 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương, Đức tạm dừng trục xuất người tị nạn Afghanistan về nước trừ phi họ phạm tội hình sự và là nghi phạm khủng bố,
Cùng ngày 13/9, giới chức Romania thông báo đã cứu được 153 người di cư, phần lớn đến từ Iraq, khi họ đang lênh đênh trên một con thuyền ở Biển Đen trong thời tiết xấu và sóng biển mạnh.
Đây là vụ giải cứu người di cư thứ 5 kể từ tháng Tám tại Romania, trong bối cảnh xuất hiện nhiều mối quan ngại về khả năng Biển Đen có thể trở thành tuyến đường biển mới thay thế tuyến đường qua Địa Trung Hải để người di cư châu Phi đến châu Âu. Kể từ đầu năm đến nay, hơn 111.000 người di cư đã đến châu Âu bằng đường biển, hầu hết trong số đó đến Italy từ Libya.
Romania đã trở thành một trong những điểm trung chuyển của người di cư từ Syria và Iraq để đến Tây Âu.
Theo số liệu chính thức từ Lực lượng Biên phòng Romania, trong 6 tháng đầu năm nay, khoảng 2.500 người nước ngoài đã cố tình vượt biên giới Romania trái phép, tăng gấp 5 lần so với con số thống kê trong cùng kỳ năm ngoái. Khoảng 1.437 người di cư đã bị bắt giữ khi đang tìm cách vượt biên giới Romania sang Hungary để đến các quốc gia Tây Âu./.