Sau loạt vụ tấn công khủng bố tại Pháp và Bỉ vừa qua, nguy cơ xảy ra các vụ tấn công tương tự ở Đức vẫn ở mức cao.
Theo Cục trưởng Cục Hình sự liên bang Đức (BKA) Holger Münch, từ năm 2000 đến nay, nước này đã phá thành công 11 âm mưu tấn công khủng bố ở Đức.
Ngày 30/3, phóng viên TTXVN tại Đức dẫn lời người đứng đầu BKA cho biết trong hơn 15 năm qua, lực lượng an ninh và chống khủng bố của Đức đã kịp thời ngăn chặn 11 vụ tấn công khủng bố ở nước này.
Mặc dù không cho biết cụ thể về các âm mưu tấn công, song ông Holger Münch cho biết việc phá thành công các kế hoạch khủng bố không chỉ là sự may mắn mà thể hiện sự phối hợp rất tốt của lực lượng an ninh Đức.
Về nguy cơ ở thời điểm hiện tại sau loạt vụ tấn công ở Paris và Brussels, ông Münch cho biết không có dấu hiệu cụ thể về nguy cơ xảy ra một vụ tấn công ở Đức, song lực lượng Đức vẫn hết sức cảnh giác bởi nguy cơ khủng bố vẫn ở mức cao.
Ông nêu rõ: "Chúng tôi có thể khẳng định rằng châu Âu, trong đó có Đức, nằm trong tâm điểm của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo."
Lãnh đạo BKA cũng cho biết Đức hiện bị các đối tượng khủng bố sử dụng làm "điểm trung chuyển“ và cho tới nay chưa phát hiện có mối liên hệ trực tiếp nào với các vụ tấn công vừa qua ở Brussels.
Ông cũng cảnh báo về sự hiện diện của khoảng 470 đối tượng bị liệt vào cấp "nguy hiểm“ ở Đức và danh sách này đã dài thêm trong những năm qua.
Theo báo chí Đức, các vụ tấn công được phá trong những năm qua bao gồm các âm mưu sử dụng chất nổ, súng và đánh bom liều chết nhằm vào các bến tàu, các mục tiêu người Do Thái, người Israel, người Mỹ, chợ Giáng sinh, các quan chức nước ngoài tới thăm và các lãnh đạo cực hữu. Năm 2013 là năm có số vụ được phá nhiều nhất.
Theo Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol), Pháp là quốc gia mà lực lượng khủng bố hoành hành mạnh nhất ở châu Âu. Trong năm 2014 có 51 vụ, giảm mạnh so với 63 vụ năm 2013 và 125 vụ trong năm trước đó.
Europol cũng đã bắt giữ 774 đối tượng liên quan tới khủng bố trong năm 2014, trong đó riêng tại Pháp có 238 đối tượng, Tây Ban Nha 145, Anh 132 và Đức 18 đối tượng.
Vụ khủng bố đẫm máu nhất ở châu Âu xảy ra tại Madrid (Tây Ban Nha) năm 2004, khi 10 quả bom phát nổ trên một đoàn tàu, làm 191 người thiệt mạng và 600 người bị thương.
Sau các vụ tấn công ở Brussels ngày 22/3 vừa qua, nỗi lo sợ khủng bố một lần nữa lại bao trùm châu Âu.
Theo một cuộc thăm dò do Viện INSA thực hiện cho báo Bild (Hình ảnh) của Đức vừa công bố có 63,9% số người Đức được hỏi cho rằng lực lượng an ninh không thể ngăn chặn được các vụ tấn công khủng bố ở châu Âu; 61,8% tin có mối liên hệ trực tiếp giữa các vụ tấn công khủng bố mới nhất với đạo Hồi.
Cũng theo kết quả thăm dò, có gần 2/3 số ý kiến được hỏi cho rằng Đức cần phải tham gia vào cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng./.