Đức, Pháp phản đối ​CHND Donetsk tự xưng lập một nhà nước mới

Chính phủ Đức, Pháp coi đề xuất thành lập một nhà nước mới mang tên Malorossiya của người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng là "hoàn toàn không thể chấp nhận được."
Đức, Pháp phản đối ​CHND Donetsk tự xưng lập một nhà nước mới ảnh 1Alexander Zakharchenko, lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng. (Nguồn: AFP)

Theo trang Sputniknews.com, Chính phủ Đức ngày 18/7 cho biết nước này coi đề xuất thành lập một nhà nước mới mang tên Malorossiya của người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng Alexander Zakharchenko là "hoàn toàn không thể chấp nhận được."

Trong một thông báo, chính quyền Berlin nêu rõ: "Chính phủ Đức lên án bước đi này là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Ông Zakharchenko không có quyền hợp pháp để tuyên bố về khu vực này của Ukraine. Chúng tôi hy vọng Nga cũng lên án bước đi này, rằng nước này sẽ không tôn trọng và chấp nhận điều đó." Berlin cho rằng cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine chỉ có thể được giải quyết thông qua thương lượng.

[Donetsk cáo buộc Ukraine sử dụng dân thường làm "lá chắn sống"]

Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, từ Paris, Bộ Ngoại giao Pháp đã kêu gọi Nga lên án tuyên bố trên của ông Alexander Zakharchenko. Phát biểu tại buổi họp báo, người phát ngôn bộ này, bà Agnes Romatet-Espagne nêu rõ: "Chúng tôi kêu gọi Nga lên án sự việc này, vốn vi phạm các thỏa thuận Minsk và đi ngược lại tinh thần của các cuộc thương lượng trong khuôn khổ Normandy. Nga cần tăng cường nỗ lực để chấm dứt cuộc xung đột."

Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin cùng ngày nói rằng giới chức Kiev sẽ không cho phép việc thành lập một nhà nước độc lập ở khu vực Donbass, miền Đông Ukraine như sự việc xảy ra ở Georgia hồi năm 2008.

Trên trang mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Klimkin viết: "Đúng vào thời điểm mà phái đoàn Ukraine ở Georgia, Điện Kremlin cố gắng hành động ở Donbas như đã làm giống như kịch bản đối với Abkhazia (ở Georgia)". Trước đó, cùng ngày, Tổng thống Ukraine đã tuyên bố sẽ khôi phụ chủ quyền đối với Donbass./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.