Đức phê chuẩn vận chuyển vũ khí sang cả Saudi Arabia

Hội đồng An ninh Quốc gia Đức ngày 12/4 phê chuẩn hoạt động vận chuyển các lô vũ khí sang những nước có liên quan trực tiếp tới cuộc chiến ở Yemen, trong đó có Saudi Arabia và UAE.
Đức phê chuẩn vận chuyển vũ khí sang cả Saudi Arabia ảnh 1Hội đồng An ninh Quốc gia Đức phê chuẩn hoạt động vận chuyển các lô vũ khí sang Saudi Arabia và UAE. (Nguồn: thebulletin.be)

Hội đồng An ninh Quốc gia Đức gồm Thủ tướng Angela Merkel và các Bộ trưởng trong nội các ngày 12/4 đã phê chuẩn hoạt động vận chuyển các lô vũ khí sang những nước có liên quan trực tiếp tới cuộc chiến ở Yemen, trong đó có Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Theo phê chuẩn của hội đồng trên, Đức sẽ vận chuyển tới UAE lô hàng gồm các thiết bị do Đức-Pháp sản xuất dùng cho hệ thống radar theo dõi pháo "Cobra."

Ngoài ra, Đức cũng sẽ vận chuyển tới Qatar lô hàng gồm 3 xe bọc thép "Dingo" và 168 đầu đạn, lô hàng gồm 18.000 kíp nổ cho lựu đạn, súng cối tới Indonesia và hơn 3.000 vũ khí chống tăng tới Singapore...

[Chính phủ Đức gia hạn lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sang Saudi Arabia]

Quyết định trên được đưa ra khoảng 2 tuần sau khi Chính phủ Đức quyết định gia hạn 6 tháng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sang Saudi Arabia (từ ngày 31/3 đến 30/9 tới).

Tháng 10/2018, Đức đã quyết định "đóng băng" mọi hoạt động xuất khẩu vũ khí sang Saudi Arabia để phản đối vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi tại Lãnh sự quán của Saudi Arabia ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, việc Đức ban hành lệnh cấm nói trên đã vấp phải sự phản đối của nhiều nước đối tác trong Liên minh châu Âu (EU) vì biện pháp này ảnh hưởng đến các dự án quốc phòng chung như máy bay chiến đấu Eurofighter và Tornado.

Trong khi Pháp và Anh đã kêu gọi Đức gỡ bỏ lệnh cấm, nhiều tổ chức nhân quyền cho rằng Berlin nên duy trì việc "đóng băng" này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.