Ngày 13/5, Bộ Quốc phòng Đức xác nhận sẽ cung cấp gói khí tài quân sự lớn trị giá 2,7 tỷ euro (hơn 2,9 tỷ USD) cho Ukraine trong những tuần và tháng tới đây.
Gói hỗ trợ mới bao gồm nhiều chủng loại, gồm các hệ thống phòng thủ hiện đại, xe tăng, xe bọc thép cùng nhiều phương tiện, thiết bị khác.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, truyền thông Đức dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng nước này Boris Pistorius cho biết gói hỗ trợ các phương tiện quân sự mà Ukraine đang rất cần này một lần nữa cho thấy Đức "nghiêm túc với sự hỗ trợ của mình" với mong muốn sẽ giúp nhanh chóng khép lại cuộc chiến.
Theo ông, Berlin sẽ tiếp tục cung cấp mọi sự hỗ trợ cần thiết cho Kiev.
[Kho vũ khí của quân đội Đức thiếu hụt vì viện trợ Ukraine]
Danh sách gói hỗ trợ mới nhất này bao gồm 20 xe chiến đấu bộ binh Marder, 30 xe tăng Leopard-1-A5, 18 pháo tự hành bánh lốp, 15 pháo phòng không Gepard, 200 máy bay không người lái trinh sát, 4 hệ thống phòng không IRIS-T cùng đạn dược, nhiều đạn pháo bổ sung cùng hơn 200 phương tiện hậu cần và chiến đấu bọc thép.
Truyền thông Đức cho biết ngoài 4 hệ thống phòng không IRIS-T-SLM, Đức sẽ cung cấp cho Ukraine 12 bệ phóng IRIS-T-SLS cùng hàng trăm tên lửa dẫn đường cho hệ thống này.
Đây được xem là gói khí tài quân sự lớn nhất mà Đức cung cấp để tăng cường sức mạnh cho lực lượng vũ trang Ukraine kể từ khi nổ ra cuộc chiến hồi tháng 2/2022.
Báo Der Spiegel cho rằng với việc chuyển giao vũ khí mới, Chính phủ liên bang Đức một lần nữa tập trung vào việc tăng cường hệ thống phòng không của Ukraine.
Trong một bài phát biểu gần đây, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết ông đã có "sự đồng thuận" với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng vũ khí của Đức sẽ không được sử dụng cho các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga.
Trong một diễn biến liên quan, Estonia đã kêu gọi các nước như Đức, Pháp và Italy cung cấp thêm hỗ trợ tài chính cho Ukraine.
Phát biểu bên lề Hội nghị Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) ở Thụy Điển, Ngoại trưởng Estonia Margus Tsahkna nêu rõ mục tiêu là phải đạt được mức hỗ trợ tương đương 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Theo số liệu của Viện Kinh tế Thế giới (IfW) ở Kiel, tỷ lệ hỗ trợ của Đức cho Ukraine mới chỉ đạt 0,2% GDP với các cam kết viện trợ song phương trị giá 7,4 tỷ euro. Pháp và Italy thậm chí còn thấp hơn đáng kể, ở mức dưới 0,1%.
Số liệu của IfW cho biết Latvia và Estonia là những quốc gia dẫn đầu về mức độ hỗ trợ với tỷ lệ tương ứng khoảng 1,2% và 1,1% GDP, tiếp theo là Litva với 0,9%, Ba Lan - 0,6% và Hà Lan - 0,5%. Trong năm đầu tiên của cuộc xung đột tại Ukraine, Mỹ có tỷ lệ hỗ trợ ở mức 0,4% GDP, với số tiền 71,3 tỷ euro./.