Đức siết chặt kiểm soát biên giới, Serbia ban bố tình trạng khẩn cấp

Chính phủ Đức đã áp đặt các biện pháp kiểm soát biên giới với Áo, Đan Mạch, Pháp, Luxembourg và Thụy Sĩ trong khi chính phủ Serbia đóng cửa biên giới đối với toàn bộ người nước ngoài.
Cảnh sát Đức được triển khai tại tuyến đường ở Kehl, biên giới Đức-Pháp, ngày 16/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cảnh sát Đức được triển khai tại tuyến đường ở Kehl, biên giới Đức-Pháp, ngày 16/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tiếp tục cập nhật các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan trên diện rộng, ngày 16/3, Đức đã áp đặt các biện pháp kiểm soát biên giới với Áo, Đan Mạch, Pháp, Luxembourg và Thụy Sĩ.

Các biện pháp này được đánh giá là cần thiết khi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại quốc gia Tây Âu này đang tăng mạnh.

Theo giới chức Đức, chỉ những người có lý do đi lại hợp lý như những tài xế vận tải hay những người thường xuyên đi lại làm việc ở các nước xung quanh, mới được phép đi qua biên giới.

Phóng viên hãng tin AFP (Pháp) cho biết các biện pháp này đã bắt đầu có hiệu lực từ 14 giờ cùng ngày (theo giờ Việt Nam).

Các hình ảnh được phóng viên ghi lại cho thấy tại khu vực biên giới giữa Kiefersfelden của Đức và Kufstein của Áo, cảnh sát cho phép các xe tải đi qua, nhưng toàn bộ xe chở khách đã bị chặn lại để kiểm tra.

Chỉ trong vòng 30 phút đã có khoảng 10 xe bị buộc phải quay lại.

[Châu Âu đã có 52.400 ca mắc bệnh, 2.297 ca tử vong vì COVID]

Cũng như một số nước Tây Âu, số người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây COVID-19 tại Đức đã tăng nhanh đột biến trong mấy ngày qua, với 4.838 ca được ghi nhận và 12 ca tử vong.

Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, nhà chức trách đã triển khai một số biện pháp quyết liệt như đóng cửa trường học và các trung tâm chăm sóc trẻ nhỏ và người cao tuổi tại hầu hết các bang của Đức, ngoài trừ những cơ sở tiếp nhận những trẻ nhỏ có cha mẹ có công việc quan trọng.

Đức cũng cấm việc tụ tập đông người, và các bang trên cả nước cũng đang yêu cầu các nhà hàng, quán bar, câu lạc bộ thể thao và các địa điểm công cộng khác đóng cửa.

Trước Đức, các nước láng giềng khác như Ba Lan và Cộng hòa Séc cũng đã đóng cửa biên giới hoặc áp dụng biện pháp hạn chế đi lại qua biên giới ở mức tối đa.

Dịch bệnh lây lan nhanh chóng cũng khiến Serbia ban bố tình trạng khẩn cấp.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic nhấn mạnh những biện pháp hạn chế mới này là cần thiết nhằm "bảo vệ người cao tuổi."

Cụ thể, từ ngày 16/3, tất cả các trường học, trường mẫu giáo, đại học hay các trung tâm đào tạo, các câu lạc bộ thể thao đều đóng cửa. Quân đội cũng được huy động tới các "địa điểm quan trọng" như các bệnh viện.

Ngoài ra, Serbia đóng cửa biên giới đối với toàn bộ người nước ngoài từ tối 15/3, ngoại trừ công dân nước này, các nhà ngoại giao và những công dân nước ngoài có giấy phép cư trú.

Những công dân Serbia trở về nước từ những nước là điểm nóng của dịch sẽ được cách ly trong 14-28 ngày. Những đối tượng vi phạm việc cách ly có thể bị phạt tù 3 năm.

Châu Âu hiện đang là tâm dịch của đại dịch COVID-19. Bệnh dịch không có chiều hướng chững lại mà tiếp tục tăng với tốc độ rất nhanh, đặc biệt tại Italy, Tây Ban Nha, Đức, Anh và Pháp.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, người đứng đầu Cơ quan Y tế công cộng Pháp Jerome Salomon ngày 16/3 cảnh báo tình hình dịch COVID-19 tại nước này đang "vô cùng đáng quan ngại" và "diễn biến xấu đi rất nhanh."

Phát biểu trên kênh phát thanh France Inter, Bộ trưởng Salomon cho biết "số trường hợp nhiễm (virus) tăng gấp đôi cứ mỗi 3 ngày" với "hàng trăm" bệnh nhân trong tình trạng nghiêm trọng và cần điều trị đặc biệt.

Theo thống kê mới nhất được công bố ngày 15/3, Pháp đã ghi nhận 5.423 ca mắc COVID-19 và 127 ca tử vong, tăng 36 ca tử vong và 900 ca nhiễm chỉ trong 24 giờ. Hơn 400 người được điều trị y tế đang trong tình trạng nguy kịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.