Đức siết chặt kiểm soát hoạt động của cơ quan tình báo nước ngoài

Quốc hội Đức đã thông qua dự luật cải cách Cơ quan Tình báo liên bang (BND) theo hướng siết chặt quản lý hoạt động của cơ quan tình báo nước ngoài này của Đức.
Đức siết chặt kiểm soát hoạt động của cơ quan tình báo nước ngoài ảnh 1Phiên họp của Quốc hội Đức tại Berlin ngày 21/10. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Ngày 21/10, Quốc hội Đức đã thông qua dự luật cải cách Cơ quan Tình báo liên bang (BND) theo hướng siết chặt quản lý hoạt động của cơ quan tình báo nước ngoài này của Đức.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, luật mới quy định cụ thể hoạt động do thám ở nước ngoài cũng như nền tảng pháp lý trong hợp tác của BND với các cơ quan tình báo nước ngoài, với mục đích phục vụ chính sách đối ngoại và an ninh của Đức.

Luật quy định rõ việc theo dõi và do thám mang tính chiến lược đối với "người nước ngoài ở nước ngoài," trong đó các hoạt động do thám điện thoại hay kết nối Internet nhằm thu thập thông tin về các mối đe dọa, phục vụ công tác xử lý về chính sách đối ngoại của Đức và có thể lưu dữ liệu tối đa 6 tháng.

Tuy nhiên, việc do thám này phải được sự chấp thuận của Phủ Thủ tướng cũng như một ủy ban độc lập, gồm 2 thẩm phán và một công tố viên thuộc Tòa án Tư pháp liên bang. Luật mới cũng đặt những rào cản về pháp lý khi do thám công dân Liên minh châu Âu (EU) cũng như các thể chế EU, song có những ngoại lệ cho việc này. Tuy nhiên, luật mới cấm việc do thám vì mục đích kinh tế hay do thám Tổng thống hoặc Thủ tướng các nước đồng minh.

Việc cải cách BND được thực hiện sau hàng loạt vụ bê bối liên quan tới hoạt động do thám của cơ quan này trong những năm qua, trong đó có hợp tác gây tranh cãi với Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA).

BND có nhiệm vụ thu thập các thông tin phục vụ chính phủ, các bộ ngành và quân đội liên bang, bao gồm các diễn biến đáng chú ý về chính trị, kinh tế và kỹ thuật; các vấn đề liên quan quân sự; mối đe dọa đối với an ninh Đức cũng như công dân Đức. Quốc hội liên bang kiểm soát hoạt động của BND trên nguyên tắc nhà nước pháp quyền và phân chia quyền lực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.