Đức thiệt hại hàng trăm triệu euro vì các lái tàu đình công

Cuộc đình công kéo dài nhất trong lịch sử ngành đường sắt của các lái tàu thuộc Công ty đường sắt quốc gia Đức ước tính sẽ gây thiệt hại hàng trăm triệu euro.
Đức thiệt hại hàng trăm triệu euro vì các lái tàu đình công ảnh 1Các tàu của Công ty Deutsche Bahn đỗ tại nhà ga đường sắt Munich, miền nam Đức ngày 7/11/2014. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cuộc đình công kéo dài nhất trong lịch sử ngành đường sắt của các lái tàu thuộc Công ty đường sắt quốc gia Đức Deutsche Bahn không chỉ gây bức xúc cho người dân và các chính trị gia nước này, mà ước tính sẽ gây thiệt hại hàng trăm triệu euro cho nền kinh tế đầu tàu châu Âu.

Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn nhận định của Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK) Eric Schweitzer cho biết cuộc đình công kéo dài tới 7 ngày gần như làm tê liệt hệ thống tàu chở hàng ở Đức có thể sẽ gây đình đốn sản xuất, khiến nền kinh tế nước này thiệt hại khoảng 500 triệu euro.

Trong khi Hiệp hội Công nghiệp Đức (BDI) lên án cuộc đình công này là hành động sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế phát triển cao tại Đức, đặc biệt với các ngành công nghiệp thép, hoá học và ôtô.

Ngành công nghiệp thép là "khách hàng" thương mại lớn nhất của Deutsche Bahn, với lượng chuyên chở khoảng 200.000 tấn/ngày. Tuy nhiên, do đình công không được báo trước nên ngành này không kịp chuẩn bị các phương án vận chuyển thay thế.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Chế tạo máy của Đức (VDMA) cũng cảnh báo cuộc đình công sẽ gây khó khăn và đình đốn cho dây chuyền sản xuất và chế tạo ở nước này.

Về phần mình, các nhà kinh tế thuộc Ngân hàng Unicredit ước tính cuộc đình công có thể gây thiệt hại khoảng 0,1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức trong quý 2 năm 2015.

Trong khi đó, Deutsche Bahn cho rằng công ty này sẽ thiệt hại khoảng 3 triệu euro/ngày do lái tàu đình công. Ban lãnh đạo công ty đã lên phương án thay thế, trong đó cố gắng duy trì vận hành 1/3 các chuyến tàu chặng dài và tối thiểu 15% các chuyến tàu liên vùng.

Do đường sắt là loại hình vận tải quan trọng ở Đức, nên cuộc đình công kéo dài đã gây ra những phản ứng gay gắt trong dư luận cũng như chính giới Đức.

Thủ tướng Angela Merkel đã lên tiếng kêu gọi giới chủ Deutsche Bahn và Tổ chức Công đoàn các lái tàu Đức (GDL) có giải pháp để chấm dứt tình trạng đình công gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho việc đi lại và vận tải hàng hóa ở nước này.

Đây là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Đức lên tiếng về vụ việc này kể từ khi nảy sinh những bất đồng giữa Deutsche Bahn và GDL hồi năm ngoái.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Sigmar Gabriel cũng cảnh báo cuộc đình công sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc vận chuyển hàng hóa, người đi tàu cũng như với nền kinh tế Đức nói chung.

Trước đó, hưởng ứng lời kêu gọi của GDL, các lái tàu chở hàng của công ty Deutsche Bahn đã tiến hành đình công từ 15 giờ ngày 4/5, trong khi lái tàu chở khách đình công từ 2 giờ 5/5 và dự kiến kéo dài cho tới 9 giờ ngày 10/5.

Đây là cuộc đình công thứ 8 của GDL nhằm gây sức ép để tăng lương và giảm giờ làm cho các lái tàu.

Deutsche Bahn phục vụ khoảng 5,5 triệu lượt khách mỗi ngày, đồng thời là nhà vận chuyển tới 1/5 khối lượng hàng hóa (tương đương trên 600.000 tấn) ở Đức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.