Đức thông qua thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh

Đảng bảo thủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chính thức thông qua thỏa thuận liên minh thành lập chính phủ với đảng Dân chủ Xã hội (SPD).

Tại hội nghị của Ủy ban liên bang đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) ngày 9/12, đảng bảo thủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chính thức thông qua thỏa thuận liên minh thành lập chính phủ với đảng Dân chủ Xã hội (SPD).

Khoảng 180 lãnh đạo chủ chốt của CDU trên toàn quốc đã thông qua thỏa thuận trên, không có phiếu chống.

Tuy nhiên, có hai phiếu trắng của hai lãnh đạo kinh tế trong đảng - dấu hiệu cho thấy CDU chưa hoàn toàn nhất trí với thỏa thuận liên minh, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.

Một trong những điểm gây tranh cãi nhất mà CDU đã thỏa hiệp với SPD trong thỏa thuận liên minh là chính sách lương hưu.

Theo đó, bắt đầu từ năm tới, những người 63 tuổi có thể nghỉ hưu khi đã làm việc (đóng bảo hiểm) ít nhất 45 năm. Ngoài ra, SPD cũng đấu tranh thành công để có thể áp dụng mức lương tối thiểu trên toàn quốc ở mức 8,5 euro/giờ bắt đầu từ năm 2015.

Trước đó, đảng trong liên đảng bảo thủ là Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) cũng đã thông qua thỏa thuận trên.

Hiện nay, trở ngại cuối cùng để thỏa thuận chính thức có hiệu lực là cuộc thăm dò ý kiến của toàn bộ 470.000 đảng viên SPD, dự kiến kết quả được công bố vào ngày 15/12 tới.

Đây được xem là tuần quan trọng nhất đối với chính trường nước Đức kể từ sau cuộc tổng tuyển cử hôm 22/9.

Trong trường hợp đa số đảng viên SPD nói "không" với thỏa thuận liên minh, nhiều khả năng Đức sẽ phải tiến hành bầu cử lại.

Cũng liên quan chính trường Đức, đảng Dân chủ tự do (FDP) vừa tiến hành đại hội và bầu ông Christian Lindner làm Chủ tịch đảng này thay người tiền nhiệm là Phó Thủ tướng Philipp Rösler.

Tại cuộc tổng tuyển cử vừa qua, FDP chỉ nhận được 4,8% số phiếu ủng hộ, không đủ 5% theo hiến định và lần đầu tiên bị loại khỏi Quốc hội Đức kể từ năm 1949.

Cục Thống kê liên bang Đức (Destatis) ngày 9/12 cho biết xuất khẩu của Đức trong tháng 10/2013 tăng 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 99,1 tỷ euro, phá mức kỷ lục 98,7 tỷ euro đạt được hồi tháng 3/2012.

Xuất khẩu của Đức tăng mạnh nhờ nhu cầu tại các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhưng không thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) gia tăng, ví dụ xuất khẩu sang Ba Lan tăng tới 6,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trái lại, xuất khẩu của nền kinh tế lớn nhất châu Âu sang các nước Eurozone lại giảm 0,1% và sang các nước ngoài châu Âu cũng giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2012.

Thặng dư thương mại của Đức ở mức cao khiến Mỹ và EU lo ngại điều này gây phương hại cho các nước nghèo hơn trong Eurozone./.

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.