Đức thừa nhận khó thực hiện cam kết quân sự với NATO

Quân đội Đức hiện không thể đảm bảo mọi cam kết với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do một số vấn đề về trang thiết bị quân sự.
Đức thừa nhận khó thực hiện cam kết quân sự với NATO ảnh 1 Bộ trưởng Quốc phòng Ursula von der Leyen (giữa) thăm binh sỹ Đức tại trại Marmal ở Mazar-e-Sharif . (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen ngày 28/9 cho biết quân đội nước này hiện không thể đảm bảo mọi cam kết với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do một số vấn đề về trang thiết bị quân sự, đồng thời bà nhấn mạnh tới sự cần thiết phải tăng nguồn kinh phí quốc phòng trong tương lai.

Trả lời phỏng vấn báo Đức Tấm gương, Bộ trưởng Leyen khẳng định quân đội nước này chỉ có khả năng thực hiện cam kết đối với các hoạt động quân sự đang diễn ra, cũng như phản ứng trước các cuộc khủng hoảng trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, với hệ thống máy bay hiện có, quân đội Đức không thể đáp ứng được mục tiêu đặt ra một năm trước đây, cụ thể là khi xảy ra tình huống khẩn cấp, Đức không thể cung cấp cho NATO đủ số lượng máy bay theo đúng cam kết trong vòng 180 ngày.

Trước đó, theo cam kết, trong trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp, quân đội Đức có nghĩa vụ cung cấp cho lực lượng NATO 60 máy bay tiêm kích Eurofighter Typhoon.

Theo bà Leyen, vấn đề hiện nay mà quân đội nước này đang phải đối mặt là thiếu hụt nguồn phụ tùng thay thế cho máy bay quân sự và tình trạng hỏng hóc của nhiều trực thăng của Hải quân.

Hiện nay, quân đội Đức đang phải xem xét thuê các máy bay vận tải bổ sung nhằm giảm tải cho các máy bay dòng Transall đã cũ của nước này trong thời gian chờ tiếp nhận các máy bay mẫu A400M để đảm bảo năng lực hoạt động cho Không quân.

Theo bà Leyen, phát triển các nguồn cung phụ tùng, đẩy nhanh sửa chữa và nâng cấp những trang thiết bị quân sự sẽ khá tốn kém về mặt tài chính trong trung hạn và ảnh hưởng đáng kể tới ngân sách của Đức. Do đó bà hy vọng ngân sách cho quân đội sẽ được tăng cường hơn trong những năm tới.

Tuần trước, một nhóm chuyên gia quân sự Đức được cử tới huấn luyện các binh lính người Kurd chiến đấu chống lại các lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã tới miền Bắc Iraq chậm hơn kế hoạch do xảy ra vấn đề kỹ thuật với một số máy bay vận tải của quân đội nước này. Chuyến hàng vũ khí đầu tiên của Đức cũng tới Iraq muộn so với kế hoạch.

Theo báo chí Đức, cơ sở vật chất - kỹ thuật của quân đội Đức hiện trong tình trạng khá ảm đảm. Trong số 406 xe quân sự Marder của bộ binh chỉ có 280 chiếc còn hoạt động, số lượng xe vận tải bọc thép GTK Boxer có thể sử dụng là 70 trên 180 chiếc.

Tình hình trang thiết bị của không quân cũng tương tự. Chỉ có 10 trong số 31 máy bay Eurocopter Tiger và 42 trong số 109 máy bay Eurofighter mà Không quân sở hữu hiện có thể cất cánh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.