Ngày 2/3, Chính phủ Đức đã tiến hành Hội nghị thượng đỉnh về hội nhập với sự tham dự của khoảng 50 đại diện thuộc các hiệp hội, tổ chức chính trị, xã hội, kinh tế và người nước ngoài ở Đức.
Mục đích của hội nghị là nhằm giúp người nước ngoài hội nhập tốt hơn vào xã hội Đức cũng như tìm cách chống lại nạn phân biệt chủng tộc, bài Do Thái, thù địch với người Hồi giáo cũng như các hành động bạo lực cực đoan với động cơ thù hận.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu khai mạc hội nghị diễn ra tại Phủ Thủ tướng, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh các đại biểu tham dự hội nghị sẽ thảo luận về việc hội nhập vào xã hội Đức cũng như cách thức để mọi người có thể cùng sống thân thiện với nhau trong xã hội, không chỉ cho một thế hệ mà cho nhiều thế hệ sau này.
Về vụ xả súng mang động cơ phân biệt chủng tộc vừa qua tại thành phố Hanau, bang Hessen hôm 19/2 làm 10 người thiệt mạng, Thủ tướng Merkel một lần nữa lên án các hành động bạo lực cực đoan mang động cơ thù hận, đồng thời nhấn mạnh nước Đức có trách nhiệm bảo vệ mọi người sinh sống ở nước này.
[Đức tăng cường cảnh sát ở biên giới để ngăn người di cư bất hợp pháp]
Bà cũng cho biết hội nghị về hội nhập được tổ chức chỉ một ngày sau khi Luật về lao động lành nghề có hiệu lực ở Đức, theo đó sẽ mở rộng cánh cửa cho lực lượng lao động lành nghề ở các nước tới Đức làm việc.
Với luật này, người lao động có nhiều cơ hội tới Đức làm việc khi có chứng chỉ nghề được Đức công nhận, có khả năng tiếng Đức tối thiểu.
Điểm quan trọng trong luật mới là người lao động không cần ký hợp đồng lao động trước khi sang Đức và các trường hợp này được quyền lưu trú 6 tháng ở Đức để tìm việc.
Theo Thủ tướng Merkel, trong vấn đề hội nhập, hội nghị lần này sẽ bàn về giai đoạn "Tiền Hội nhập", được coi là giai đoạn chuẩn bị cho các lao động trước khi sang Đức làm việc.
Đây là giai đoạn đầu tiên trong 5 giai đoạn của Kế hoạch Hành động về hội nhập, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động khi sang Đức làm việc và hội nhập sau này./.