Đức: Tranh cãi xung quanh đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu lên 67-69

Trong khi các chính trị gia lên tiếng phản đối việc Bundesbank đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu lên 67-69 thì các nhà phân tích lại bày tỏ sự ủng hộ.
Đức: Tranh cãi xung quanh đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu lên 67-69 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Việc Ngân hàng trung ương Đức Bundesbank kêu gọi mọi người hãy làm việc đến 69 tuổi đã gây ra một cuộc tranh cãi gay gắt ở nền kinh tế hàng đầu châu Âu, khi các chính trị gia lên tiếng phản đối, còn các nhà phân tích bày tỏ sự ủng hộ.

Ý tưởng nâng tuổi nghỉ hưu được nêu trong báo cáo tháng này của Bundesbank, trong đó lưu ý rằng với tình hình ngân sách dành cho lương hưu hiện là thỏa đáng, không nên quên một thực tế là phải có những thay đổi để đảm bảo sự bền vững của hệ thống lương hưu. Ngân hàng này đề xuất việc từng bước tăng dần tuổi nghỉ hưu, hiện trong lộ trình tăng từ 65 lên 67 vào năm 2029, lên 69 tuổi vào năm 2060.

Với tình trạng dân số đang già hóa nhanh chóng, tuổi thọ của người Đức hiện là 78 với nam và 83 với nữ, và chắc sẽ còn tiếp tục tăng. Tuổi nghỉ hưu thực tế của người Đức hiện là 62 mặc dù đang có xu hướng tuổi về hưu sẽ càng muộn hơn.

Điều này có nghĩa họ cần được cấp lương hưu trong khoảng hai thập niên, trong khi bộ phận dân số đang làm việc là nguồn chi trả cho lương hưu sẽ giảm dần khi dân số già đi nhanh chóng.

Bundesbank đã đưa ra đề xuất về độ tuổi nghỉ hưu là 69 tuổi vào năm 2009 và nhắc lại con số này trong tuần trước, khi muốn góp tiếng nói trong cuộc tranh luận và kêu gọi các chính trị gia có một tầm nhìn dài hạn hơn. Các đảng phái chính trị đang khởi động cho các cuộc bầu cử trong năm tới được cho là sẽ coi lương hưu là chủ đề chính trong các cuộc vận động.

Bộ trưởng Kinh tế, kiêm Phó Thủ tướng Sigmar Gabriel ngay lập tức đã chỉ trích ý tưởng đó, cho rằng công nhân nhà máy, người bán hàng, y tá hay các điều dưỡng viên sẽ không ủng hộ nó. Đảng Dân chủ Xã hội của ông kiên quyết phản đối ý tưởng tăng tuổi nghỉ hưu lên cao hơn.

Đối với đảng Dân chủ Cơ đốc giáo của Thủ tướng Angela Merkel, vấn đề thậm chí không được nêu lên, 67 được khẳng định là tuổi nghỉ hưu thích hợp.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế ủng hộ Bundesbank và thậm chí một số còn cho rằng 69 còn là ngưỡng thấp trong độ tuổi nghỉ hưu được dự báo. Theo các ước tính của nhóm tư vấn kinh tế IW Institute, người Đức cần phải làm việc cho đến 73 tuổi nếu họ muốn nhận được lương hưu ở mức như hiện nay.

Theo Chủ tịch IW Michael Huether, điều mà Bundesbank đang nói tới thực sự liên quan đến những người sinh sau năm 1995, tức là hiện chỉ 20 tuổi, không phải là về những người hiện đang làm việc. Axel Boersch-Supan, một nhà kinh tế ở Viện Max Planck, cho rằng tuổi nghỉ hưu nên gắn với tuổi thọ.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.