Đức tuyên bố không muốn chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ "gần gũi" với Nga

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel nói rằng ông sẽ cố gắng tránh làm tổn hại thêm mối quan hệ vốn đang rất căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ vì không muốn Ankara trở nên "gần gũi" hơn với Moskva.
Đức tuyên bố không muốn chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ "gần gũi" với Nga ảnh 1Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 6/6, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel nói rằng ông sẽ cố gắng tránh làm tổn hại thêm mối quan hệ vốn đang rất căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ trong quá trình rút binh sỹ Đức vì không muốn Ankara trở nên "gần gũi" hơn với Moskva.

Ông Gabriel cho biết các quan chức ngoại giao Đức sẽ làm hết sức mình để tình hình không leo thang khi Đức rút binh sỹ và phương tiện khỏi căn cứ không quân Incirlik ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Quyết định này được đưa ra khi Ankara cấm các nghị sỹ Đức đến thăm các binh sỹ đang đóng quân tại đây.

Chính phủ Đức sẽ thảo luận về vấn đề rút binh sỹ Đức khỏi Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 7/6. Hiện tại, số binh sỹ này đang làm nhiệm vụ trong lực lượng liên quân chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và Iraq, chủ yếu cung cấp dịch vụ tiếp nhiên liệu và giám sát bay.

  
[Quan hệ giữa Đức-Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục lún sâu vào căng thẳng]

Tổng cộng 280 binh sỹ Đức sẽ di chuyển từ căn cứ Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ sang một căn cứ khác tại Jordan và vì vậy, Đức sẽ phải dừng nhiệm vụ tiếp nhiên liệu trong 2 đến 3 tuần đồng thời dừng nhiệm vụ giám sát bay trong khoảng 2 đến 3 tháng.

Việc rút quân này cũng gây ra nhiều tranh cãi trong nội bộ nước Đức. Một số nghị sỹ đòi đưa vấn đề ra bỏ phiếu tại Quốc hội, số khác muốn đưa quân về nước thay vì triển khai đến Jordan, vốn có quan hệ gần gũi với Qatar - quốc gia đang là tâm điểm khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh. 

Ông Gabriel lý giải rằng Đức không muốn dồn Thổ Nhĩ Kỳ vào chân tường, điều này sẽ đẩy Ankara đến gần với Moskva hơn. Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang cải thiện nhanh chóng quan hệ với Nga để dỡ bỏ các lệnh cấm vận kinh tế kể từ khi nước này bắn rơi máy bay của Nga vào năm 2015./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.