Ngày 13/11, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas khẳng định không có bất cứ "câu hỏi" nào được đặt ra đối với mục tiêu gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Bắc Macedonia cho dù Hội đồng châu Âu (EC) hồi tháng 10 vừa qua đã quyết định hoãn đàm phán nước này gia nhập khối.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp nước chủ nhà Nikola Dimitrov khi đang thăm chính thức Bắc Macedonia, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhận định EU cần phải mở rộng cánh cửa kết nạp thêm thành viên đối với Bắc Macedonia, quốc gia đã thành công trong việc đạt được thỏa hiệp với nước láng giềng cũng như bắt đầu quá trình cải cách dài hạn.
Ông khẳng định không có bất cứ thành viên nào trong EU tỏ ý "nghi ngờ" đối với mục tiêu gia nhập khối của Bắc Macedonia.
Trong khi đó về phần mình, Ngoại trưởng Bắc Macedonia Nikola Dimitriv đánh giá cao chuyến thăm của Ngoại trưởng Đức Heiko Maas khi cho rằng đây là một thông điệp khẳng định Đức ủng hộ Bắc Macedonia trở thành thành viên của EU.
Ông nhấn mạnh Bắc Macedonia sẽ tiếp tục nỗ lực để theo đuổi thành công mục tiêu này.
[EU không đồng thuận về đàm phán kết nạp Albania, Bắc Macedonia]
Bên cạnh đó, ông cũng cho biết quan hệ song phương giữa Bắc Macedonia và Đức đang ngày càng phát triển và củng cố, đặc biệt thương mại giữa hai nước trong năm 2019 dự kiến sẽ đạt hơn 4 tỷ euro (khoảng 4,5 tỷ USD).
Kể từ năm 2005, Bắc Macedonia đã khởi động tiến trình đàm phán gia nhập EU. Tuy nhiên, tiến trình này đã gặp trở ngại nhiều năm qua do sự phản đối của Hy Lạp liên quan đến tranh cãi giữa hai nước về tên nước Macedonia.
Hy Lạp cũng có một tỉnh mang tên Macedonia ở miền Bắc nước này và Athens quan ngại việc trùng tên này có thể dẫn đến tranh chấp lãnh thổ.
Tháng 6/2018, hai nước đã đạt thỏa thuận, theo đó Macedonia đổi tên thành Cộng hòa Bắc Macedonia và thỏa thuận này đã có hiệu lực từ tháng 2 vừa qua, đổi lại Hy Lạp ủng hộ nước này gia nhập EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tuy nhiên, hôm 18/10 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cho biết các nhà lãnh đạo EU đã không đạt đồng thuận về việc khởi động đàm phán gia nhập khối với Albania và Bắc Macedonia và đưa ra quyết định hoãn đến năm 2020./.