Đức ủng hộ nhưng không tham gia chương trình COVAX của WHO

Berlin ủng hộ, song sẽ không mua vắcxin ngừa COVID-19 thông qua chương trình của WHO, bởi Đức đã theo một dự án chung của Liên minh châu Âu (EU) để mua các loại vắcxin tiềm năng.
Đức ủng hộ nhưng không tham gia chương trình COVAX của WHO ảnh 1Các kỹ thuật viên giám sát việc sản xuất quy mô lớn và cung ứng vaccine phòng COVID-19 của Trường đại học Oxford AZD1222 tại nhà máy Anagni, phía Đông Nam Rome, Italy ngày 11/9/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo các nguồn tin từ Chính phủ Đức ngày 18/9, nước này và Pháp sẽ không mua các loại vắcxin tiềm năng phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thông qua chương trình COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Thông tin này được đưa ra cùng ngày sau khi WHO thông báo thời hạn chót để các nước thành viên đăng ký tham gia chương trình COVAX.

Nguồn tin cho biết, Berlin ủng hộ, song sẽ không mua vắcxin ngừa COVID-19 thông qua chương trình của WHO, bởi Đức đã theo một dự án chung của Liên minh châu Âu (EU) để mua các loại vắcxin tiềm năng.

Chương trình COVAX của WHO được thực hiện để mua các loại vắcxin COVID-19 với đảm bảo rằng các vắcxin này sẽ được phân bổ công bằng và hiệu quả trên thế giới. Tuy nhiên, trong khi 92 nước có mức thu nhập thấp muốn tham gia chương trình COVAX thì các nước giàu có lại không tham gia do những nước này muốn đảm bảo nguồn cung riêng.

Theo các nhà ngoại giao châu Âu, trong EU đang "xung đột" về sáng kiến COVAX của WHO. Một mặt, EU muốn hỗ trợ việc cung cấp vắcxin cho các nước đang phát triển, song mặt khác chính phủ các nước thành viên cũng muốn đảm bảo có vắcxin cho người dân của mình.

[EU mua 300 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19 của Sanofi và GSK]

Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đóng góp 400 triệu euro từ ngân sách phát triển của khối cho chương trình COVAX, trong khi Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết, Chính phủ Đức hiện chưa quyết định về hình thức hỗ trợ chương trình này. Ông Spahn cũng bày tỏ hy vọng Đức sẽ có vắcxin vào đầu năm tới và những đối tượng được ưu tiên tiêm vắcxin là những người cao tuổi và các y, bác sỹ.

Trước đó, Bộ trưởng Spahn cho biết Berlin đã đảm bảo được số liều vắcxin tiềm năng nhiều hơn số dân nước này, một chiến lược chung của các nước giàu khi còn chưa rõ loại vắcxin nào sẽ có hiệu quả. Cụ thể, Đức đã đặt hàng trước tổng cộng 94 triệu liều vắcxin từ các nhà cung cấp khác nhau.

Trên thế giới có tám loại vắcxin đang ở giai đoạn thử nghiệm thứ ba, trong đó có vắcxin của công ty Đức. Khoản tài trợ 750 triệu euro được Chính phủ Đức rót cho nghiên cứu và bào chế vắcxin cũng được sử dụng để mở rộng năng lực sản xuất.

Theo Bộ trưởng Spahn, Chính phủ Đức nhấn mạnh yếu tố ưu tiên hàng đầu là an toàn và tin cậy, chứ không nhất thiết phải là nước có vắcxin đầu tiên, trong tiến trình nghiên cứu và bào chế vắcxin.

Trong khi đó, công ty Biontech thông báo sẽ sản xuất mỗi năm 750 triệu liều vắcxin. Biontech đang thảo luận để mua lại xưởng sản xuất của công ty Novartis ở thành phố Marburg để thực hiện sản xuất hàng loạt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.