Theo hãng tin AFP của Pháp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố nước này và Đức kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức tại Ukraine, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ chính quyền Kiev.
Ông Macron đưa ra tuyên bố này trong khuôn khổ chuyến thăm Đức và hội đàm với Thủ tướng Olaf Scholz ngày 9/5, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông sau khi tái đắc cử tổng thống.
Tổng thống Macron nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Ông nhấn mạnh những quyết định quan trọng của Liên minh châu Âu (EU) về các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga sẽ được đưa ra trong những ngày tới.
Về phần mình, Thủ tướng Đức Scholz cam kết tăng cường hỗ trợ cho Ukraine cả về quân sự và tài chính. Ông nhấn mạnh cần phối hợp hành động với tư cách là một phần của châu Âu, đồng thời cam kết thực hiện những biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn cuộc xung đột ở Ukraine lan ra các quốc gia khác.
Cùng ngày 9/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký Luật cho mượn-cho thuê (Lend-lease Act) vốn có từ Chiến tranh Thế giới thứ hai nhằm hỗ trợ các đồng minh của Mỹ. Với việc ký luật này để hỗ trợ Ukraine, Mỹ có thể đẩy nhanh tốc độ bàn giao vũ khí cho quốc gia Đông Âu này. Theo Tổng thống Biden, đến nay Mỹ đã viện trợ hàng tỷ USD cho Ukraine.
[Tổng thống Pháp thăm Đức trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên]
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Ukraine Alexey Reznikov ngày 9/5 đã tiến hành điện đàm và thảo luận về sự hỗ trợ quân sự của Washington dành cho Kiev, cùng những vấn đề khác.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby cho biết Bộ trưởng Austin đã nhấn mạnh thông báo của Tổng thống Mỹ liên quan tới khoản viện trợ quân sự bổ sung trị giá 150 triệu USD cho Ukraine. Số tiền này sẽ được sử dụng để cung cấp cho Kiev các khí tài như pháo, radar phản pháo và thiết bị gây nhiễu điện tử.
Cũng trong ngày 9/5, Mỹ quyết định tạm ngừng đánh thuế trong vòng 1 năm đối với thép nhập khẩu từ Ukraine, một động thái nhằm trợ giúp nền kinh tế của quốc gia Đông Âu này.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nhấn mạnh quyết định này của Washington nhằm hỗ trợ một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhất đối với nền kinh tế của Ukraine.
Mỹ đã áp mức thuế 25% đối với mặt hàng thép nhập khẩu từ tháng 3/2018 nhằm bảo vệ ngành luyện thép trong nước, dù một số quốc gia được miễn mức thuế này. Các nghị sỹ và lãnh đạo doanh nghiệp đã kêu gọi Tổng thống Mỹ dỡ bỏ thuế này nhằm giúp giảm bớt thiệt hại về kinh tế của Ukraine sau khi xảy ra xung đột tại đây.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, sản phẩm thép của Ukraine chỉ chiếm khoảng 1% số thép mà Mỹ nhập khẩu. Trong năm 2019, Mỹ nhập khẩu 218.000 tấn thép của Ukraine và đến năm 2020 đã giảm xuống khoảng 100.000 tấn./.