Đức và Trung Quốc sẽ tập trung thảo luận về các vấn đề thương mại

Thủ tướng Đức cho biết chuyến thăm Trung Quốc tuần tới, bà sẽ thảo luận với giới chức nước này về các vấn đề thương mại, trong đó có việc tiếp cận thị trường, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: EPA-EFE/TTXVN)

Ngày 19/5, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết trong chuyến thăm Trung Quốc vào tuần tới, bà sẽ tập trung thảo luận với giới chức nước chủ nhà về các vấn đề thương mại, trong đó có việc tiếp cận thị trường và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết trong chuyến thăm này, hai bên cũng sẽ tập trung vào một số vấn đề quan trọng khác như pháp quyền và đảm bảo quyền tiếp cận thị trường của nhau một cách bình đẳng.

Trong nhiều năm qua, phần lớn các công ty của Đức đã nhiều lần lên tiếng phàn nàn về những rào cản đối với thị trường Trung Quốc và hành vi ăn cắp tài sản trí tuệ.

[Thủ tướng Đức thăm Trung Quốc: Tăng cường lòng tin chính trị]

Năm 2017, Cơ quan tình báo nội địa Đức cho biết Trung Quốc và nhiều nước khác đã tiến hành các hoạt động gián điệp công nghiệp, gây thiệt hại cho ngành công nghiệp Đức hàng tỉ euro mỗi năm.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cho biết cả Berlin và Bắc Kinh đều công nhận vai trò cũng như các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng thời nhấn mạnh hai nước sẽ thúc đẩy sự phát triển đa công nghệ tại thời điểm gia tăng lo ngại toàn cầu về các biện pháp bảo hộ thương mại làm suy yếu tăng trưởng.

Dự kiến trong chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 2 ngày này, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ có các cuộc thảo luận Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng nước chủ nhà Lý Khắc Cường.

Ngoài ra, Thủ tướng Merkel cũng sẽ tới thăm thành phố Thâm Quyến, nơi tập trung nhiều công ty công nghệ hàng đầu trong đó có nhiều công ty của Đức.

Chuyến công du Trung Quốc lần này của Thủ tướng Merkel diễn ra đúng thời điểm quan hệ với Mỹ đang gia tăng căng thẳng sau khi nước này đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đã ký với Iran và các cường quốc thế giới, trong đó có Đức và Trung Quốc, hồi năm 2015./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục