Đức viện trợ gần 200 triệu USD cho người dân Ukraine đi lánh nạn

Bộ trưởng Phát triển Đức Svenja Schulze cho biết khoản viện trợ 200 triệu euro (199,02 triệu USD) nhằm giúp những người phải sơ tán ở Ukraine tiếp tục có thể tự trang trải những nhu cầu cần thiết.
Đức viện trợ gần 200 triệu USD cho người dân Ukraine đi lánh nạn ảnh 1Người tị nạn Ukraine sơ tán sang Medyka, miền Đông Ba Lan ngày 9/3/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trả lời phỏng vấn Funke Media ngày 3/9, Bộ trưởng Phát triển Đức Svenja Schulze cho biết nước này sẽ cung cấp cho Ukraine thêm 200 triệu euro (199,02 triệu USD) để tài trợ cho các chương trình viện trợ cho những người Ukraine phải rời bỏ nơi sinh sống sang các khu vực khác của đất nước.

Bộ trưởng Schulze cho biết khoản hỗ trợ này "nhằm giúp những người phải sơ tán ở Ukraine tiếp tục có thể tự trang trải những nhu cầu cần thiết."

Dự kiến, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal sẽ thăm Berlin vào ngày 5/8, nơi ông sẽ gặp Thủ tướng nước chủ nhà Olaf Scholz.

[Xung đột tại Ukraine khiến hơn 4 triệu người lánh nạn sang nước khác]

Dữ liệu của Tổ chức Di cư Quốc tế cho thấy, tính đến ngày 23/8, khoảng 7 triệu người Ukraine đã phải rời bỏ nơi sinh sống sang các địa phương khác trong nước kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt.

Tháng trước, một quan chức Đức cho biết Liên minh châu Âu dự định cung cấp gói tài trợ cho Ukraine trị giá khoảng 8 tỷ euro vào tháng Chín này, trong đó có sự đóng góp của Đức.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 3/9, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết Ukraine sẵn sàng cung cấp điện cho Đức để giúp nền kinh tế lớn nhất châu Âu giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng của Nga.

Phát biểu với hãng thông tấn DPA của Đức, Thủ tướng Shmyhal nói: "Hiện tại, Ukraine xuất khẩu điện sang Moldova, Romania, Slovakia và Ba Lan. Tuy nhiên, chúng tôi đã sẵn sàng mở rộng xuất khẩu sang Đức. Chúng tôi có đủ lượng điện ở Ukraine nhờ các nhà máy điện hạt nhân."

Từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, nước này bắt đầu dư thừa điện để xuất khẩu điện do tiêu thụ nội địa đã giảm đáng kể xuất phát từ tình trạng nhiều người rời bỏ đất nước và nền kinh tế phát triển chậm lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.