Ngày 2/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có chuyến thăm tới Thổ Nhĩ Kỳ và hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Tayyip Erdogan.
Cuộc gặp này diễn ra giữa lúc quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đang căng thẳng liên quan đến chiến dịch bắt giữ hàng loạt ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ sau cuộc đảo chính bất thành hồi tháng Bảy năm ngoái.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Angela Merkel cho biết bà đã nêu những quan ngại về tình hình tại Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến các cuộc thanh trừng và bắt giữ hàng nghìn người bị cáo buộc ủng hộ và liên quan đến cuộc đảo chính quân sự hồi tháng Bảy năm ngoái.
Bà Merkel cũng đề cập tới kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về cải cách Hiến pháp nhằm tăng thêm quyền lực cho Tổng thống Erdogan, đồng thời cho rằng cuộc trưng cầu dân ý này cần phải được phái đoàn của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) giám sát để "ý nguyện của người dân được đảm bảo."
Về phần mình, Tổng thống Erdogan cho biết Hiến pháp mới của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bảo đảm sự phân chia quyền lực, ngoài quyền lực của Tổng thống, các cơ quan như lập pháp, hành pháp và tư pháp vẫn bảo đảm được quyền lực và chức năng.
Thủ tướng Đức và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hai bên cũng thảo luận về những diễn biến tại Syria, Iraq và Biển Aegean.
Ông Erdogan cho hay hai bên cũng thảo luận sự hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Đức trong cuộc chiến chống khủng bố, cuộc khủng hoảng người tị nạn và cuộc khủng hoảng tại Syria.
Chuyến thăm của bà Merkel tới Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra trong bối cảnh 40 quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ phục vụ tại các căn cứ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trên lãnh thổ Đức vừa nộp đơn xin tị nạn chính trị tại nước này.
Cơ quan về người di cư và tị nạn liên bang và Bộ Nội vụ Đức cho biết đơn xin tị nạn chính trị của các sĩ quan này sẽ được xem xét theo luật pháp.
Quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng sau khi Quốc hội Liên bang Đức hồi tháng 6/2016 đã thông qua nghị quyết cho rằng cuộc thảm sát 1,5 triệu người Armenia dưới thời Đế chế Ottoman (nay là Thổ Nhĩ Kỳ) vào năm 1915 là tội ác diệt chủng.
Ngoài ra, Đức lên án chiến dịch bắt giữ ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ sau cuộc đảo chính bất thành hồi năm ngoái.
Trong khi đó, Ankara cáo buộc chính quyền Berlin cung cấp nơi ẩn náu cho các tay súng thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) và Mặt trận Giải phóng nhân dân cách mạng (DHKP-C).
Tuy nhiên, Berlin luôn phủ nhận những cáo buộc này./.