Ngày 6/10, xung đột giữa các lực lượng Armenian và Azerbaijan vẫn diễn ra ác liệt tại khu vực Nagorny-Karabakh, bất chấp áp lực ngày càng tăng của lực lượng quốc tế.
Lực lượng người Armenia ở khu vực Nagorny-Karabakh cho biết thêm 21 quân nhân đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh với Azerbaijan, nâng tổng số quân nhân thiệt mạng của vùng lãnh thổ này lên thành 244 người kể từ khi xung đột bùng phát hôm 27/9.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng đã đến Azerbaijan để thảo luận tình hình sau khi nhiều nước trong đó có Mỹ, Nga, Pháp kêu gọi các bên xung đột ngừng bắn "vô điều kiện."
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cũng kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh quan trọng của Azerbaijan, dùng tầm ảnh hưởng "đáng kể" của mình để giúp xoa dịu xung đột tại Nagorny-Karabakh.
[Nga, Pháp và Mỹ hối thúc ngừng bắn tại khu vực Nagorny-Karabakh]
Phát biểu tại Baku, ông Cavusoglu nhấn mạnh đang có những lời kêu gọi ngừng bắn ở Nagorny-Karabakh và những lời kêu gọi này cũng giống như các lời kêu gọi trong gần 30 năm qua nhưng Armenia vẫn không rút quân.
Khu vực Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia.
Điều này đã châm ngòi cho những tranh chấp chủ quyền giữa hai nước, mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng.
Căng thẳng tái bùng phát từ sáng 27/9 vừa qua sau khi nổ ra các vụ đụng độ ác liệt giữa hai bên. Theo hãng tin AFP (Pháp), đến nay, xung đột đã cướp đi sinh mạng của hơn 260 người ở cả hai phía thiệt mạng, trong đó có hơn 45 dân thường.
Cùng ngày, theo hãng tin Interfax, người đứng đầu Lực lượng tình báo nước ngoài của Nga, ông Sergei Naryshkin cảnh báo khu vực Nagorny-Karabakh có thể trở thành bàn đạp để các đối tượng khủng bố lợi dụng thâm nhập vào lãnh thổ Nga. Trong một tuyên bố, ông hy vọng Armenia và Azerbaijan sớm quay trở lại đàm phán./.