Đụng độ mới giữa cảnh sát và người di cư ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp

Theo các nhân chứng có mặt tại hiện trường, cảnh sát Hy Lạp đã bắn đạn hơi cay vào những người di cư cố vượt qua hàng rào và ném đá vào cảnh sát.
Người di cư tiến về khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp tại tỉnh Edirne, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 3/3 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người di cư tiến về khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp tại tỉnh Edirne, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 3/3 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 6/3, đụng độ lại xảy ra giữa những người di cư và cảnh sát Hy Lạp ở biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, nơi hàng nghìn người di cư đang tập trung tại đây sau khi Ankara "bật đèn xanh" cho họ rời khỏi nước này tới Liên minh châu Âu (EU).

Theo các nhân chứng có mặt tại hiện trường, cảnh sát Hy Lạp đã bắn đạn hơi cay vào những người di cư cố vượt qua hàng rào và ném đá vào cảnh sát.

Tình hình đã nhanh chóng ổn định sau đó, với hàng trăm người di cư ngồi trước các cửa khẩu, hô vang các khẩu hiệu đòi mở cửa biên giới.

Biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp đã trở nên căng thẳng sau khi chính quyền Ankara hôm 28/2 vừa qua bất ngờ tuyên bố mở cửa biên giới cho người di cư tìm đường đến châu Âu thay vì giữ họ ở lại nước này theo thỏa thuận đã ký với EU năm 2016.

[Liên hợp quốc kêu gọi giảm căng thẳng tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp]

Kể từ đó, hàng chục nghìn người di cư đã đổ về khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp nhằm tìm cách đến châu Âu.

Hy Lạp và EU đã chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng vấn đề người di cư nhằm gây áp lực với EU để đòi liên minh này chi thêm tiền hoặc ủng hộ các mục đích địa chính trị của Ankara trong cuộc xung đột ở Syria.

Hy Lạp ngày 5/3 cũng tuyên bố sẽ trục xuất những người di cư mới đến nước này một cách trái phép từ ngày 1/3 vừa qua.

Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ triển khai 1.000 cảnh sát dọc biên giới với Hy Lạp nhằm ngăn chặn động thái đẩy người di cư quay trở lại lãnh thổ nước này của Athens./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.