Liên quan hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa có công văn chỉ đạo các sở, ngành liên quan và các quận, huyện thành phố về công tác quản lý hoạt động này.
Theo đó, công tác dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường trên địa bàn thành phố phải thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định của Thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cụ thể, không tổ chức dạy thêm, học thêm đối với các trường có học sinh theo học 2 buổi/ngày và đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng thực hành xã hội.
Việc dạy thêm, học thêm được tổ chức trong nhà trường trên cơ sở tự nguyện của học sinh; các trường phải khảo sát, phân chia lớp học theo cấp độ học lực, trình độ của học sinh; danh sách lớp học thêm, nội dung, chương trình giảng dạy do Hiệu trưởng nhà trường quyết định; tạo điều kiện cho học sinh được lựa chọn giáo viên theo học; phân bổ hợp lý thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm cho giáo viên và học sinh.
Mặt khác, các nhà trường tổ chức phụ đạo, bổ sung kiến thức cho học sinh chưa theo kịp chương trình để theo kịp trình độ chung của lớp và bồi dưỡng học sinh giỏi (bằng ngân sách thành phố, không thu phí của học sinh).
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố tham mưu xây dựng lộ trình chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, tiêu cực. Trong đó, chú trọng đến một số giải pháp như nâng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày, giảm sỹ số học sinh/lớp để đảm bảo chất lượng giảng dạy trong nhà trường; tạo điều kiện cơ sở vật chất thuận lợi để đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập; tăng cường tổ chức các hoạt động thí nghiệm, thực hành, văn-thể-mỹ, các hoạt động Đoàn-Đội, giáo dục các kỹ năng thực hành xã hội cần thiết cho học sinh.
Cùng với đó, Sở thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho giáo viên về nhà ở, nâng cao thu nhập cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, viên chức ngành giáo dục; rà soát quy hoạch để ưu tiên giao đất đầu tư xây dựng trường học, hoàn thiện các chính sách để đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục-đào tạo; đầu tư từ ngân sách thành phố, quận-huyện để đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường lớp theo quy hoạch được phê duyệt; phấn đấu đạt chỉ tiêu 300 phòng học mới trên 10.000 dân trước năm 2020.
Ngoài ra, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy, biên soạn bộ sách giáo khoa mới đạt chất lượng cao, đáp ứng chương trình mới hướng đến mục tiêu giảm tải, giảm áp lực cho học sinh, khuyến khích học sinh tự học.
Đặc biệt, Sở cần khẩn trương tham mưu “Đề án phát triển giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030” với mục tiêu đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, học tập, cách đánh giá kết quả học tập theo hướng phát triển năng lực của học sinh, từ đó chấm dứt việc dạy thêm, học thêm.
Ủy ban Nhân dân thành phố giao Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra, quản lý nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp dạy thêm trái quy định của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn./.