Đường ranh giới Kashmir là “khu vực nguy hiểm nhất trên Trái đất"?

Cuộc khủng hoảng giữa hai nước Ấn Độ và Pakistan trong tương lai xuất phát từ những “quan điểm thù hận” có thể dẫn tới các hành động gây sát thương.
Đường ranh giới Kashmir là “khu vực nguy hiểm nhất trên Trái đất"? ảnh 1Binh sỹ thuộc Lực lượng biên phòng Ấn Độ tuần tra tại khu vực biên giới R.S Pora, phía tây nam bang Jammu. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng eastasiaforum.org, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã gọi Đường ranh giới Kiểm soát Kashmir là “khu vực nguy hiểm nhất trên Trái Đất.”

Ông Bill Clinton khi đó đã ám chỉ tới bản chất bạo lực, định kỳ và không nhân nhượng của cuộc xung đột Ấn Độ-Pakistan ở Kashmir, nơi có thể đối mặt với hậu quả nghiêm trọng nếu vũ khí hạt nhân được sử dụng.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng Pulwama-Balakot mới đây, bên cạnh việc được nhắc đến như chiến dịch quân sự giữa hai bên, cũng được khắc họa như một chiến lược thông tin giả mạo.

Ngày 14/2, tại khu vực Pulwama do Ấn Độ kiểm soát ở Kashmir, một người dân địa phương Adil Ahmad Dar đã lao một xe tải chứa chất nổ vào một đoàn xe chở nhân viên an ninh, khiến 40 binh sỹ thuộc Lực lượng Cảnh sát Dự trữ Trung tâm Ấn Độ thiệt mạng.

Ấn Độ đã cam kết trả thù và đổ tội cho Pakistan, dẫn lời nhận trách nhiệm của nhóm phiến quân Hồi giáo có trụ sở tại Pakistan Jaish-e-Mohammad.

Ngày 26/2, Lực lượng Không quân Ấn Độ đã vượt qua Đường ranh giới Kiểm soát Kashmir và tiến hành “hành động phủ đầu phi quân sự” và tuyên bố tiêu diệt vài trăm tên khủng bố gần khu vực Balakot ở Pakistan.

Pakistan đã phủ nhận tuyên bố của Ấn Độ và công bố hình ảnh cho thấy chỉ có một vài cây cối bị phá hủy trong rừng.

Một ngày sau đó, Lực lượng Không quân Pakistan (PAF) đã trả thù bằng việc tấn công 4 khu vực tại Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, nói rằng họ đã tránh các cơ sở quân sự và dân thường.

PAF khẳng định họ đã bắn hạ 2 máy bay MIG-21 của Ấn Độ và bắt giữ một trong các phi công. Ấn Độ tuyên bố họ đã bắn hạ máy bay F-16 của Pakistan dù không đưa ra bằng chứng thuyết phục nào.

Pakistan đã trao trả phi công bị giam giữ cho Ấn Độ hai ngày sau đó như một cử chỉ “xuống thang” và chính phủ hai nước đã sử dụng hành động này như “đường vòng” để né tránh khủng hoảng.

Cuộc khủng hoảng Pulwama-Balakot đặc trưng cho bản chất của chính trường và chiến tranh.

[Ấn Độ, Pakistan bên miệng hố chiến tranh - Cơn ác mộng hạt nhân]

Học giả người Mỹ Ashley Tellis nói: “Cuộc tấn công ở Pulwama mở ra cơ hội vàng cho Thủ tướng Ấn Độ Modi để biến cuộc bầu cử- ở thời điểm đó chỉ tập trung bàn về các vấn đề kinh tế và chính trị- thành cuộc trưng cầu ý dân về các vấn đề an ninh quốc gia, nơi ông có lợi thế hơn các đối thủ nhờ bản chất theo chủ nghĩa dân tộc của ông.”

Mặc dù tất cả các cuộc chiến đều đi kèm mánh khóe và mưu mẹo ở một mức độ nào đó, nhưng cuộc khủng hoảng mới nhất tại Kashmir mang đặc trưng của chiến lược thông tin giả mạo hơn là cuộc đối đầu quân sự.

Hiện tại, căng thẳng leo thang giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân có thể đã được ngăn chặn, nhưng tác động của việc sử dụng tin tức giả mạo sẽ cần nhiều thời gian để xóa bỏ.

Việc Ấn Độ đánh đồng phong trào ly khai Kashmir với chủ nghĩa khủng bố đã khiến cuộc xung đột Ấn Độ-Pakistan được mô tả theo hai câu chuyện trái ngược nhau.

Ấn Độ khẳng định rằng Kashmir là nơi lộng hành của chủ nghĩa khủng bố được Pakistan tài trợ nhằm trả thù thất bại trong cuộc chiến năm 1971, giảm thiểu sự mất cân bằng giữa hai lực lượng truyền thống và ngăn cản Ấn Độ trỗi dậy thành cường quốc thế giới.

Ấn Độ cũng tin rằng Pakistan sử dụng răn đe hạt nhân để cưỡng ép Ấn Độ nhượng bộ ở Kashmir.

Trong khi đó, Pakistan khăng khăng rằng Kashmir biểu hiện cho cuộc đấu tranh vì tự do vốn được thúc đẩy bởi sự đàn áp tàn bạo.

Theo quan điểm này, Ấn Độ đã tiến hành cuộc chiến “thế hệ thứ 5” để gây bất ổn Pakistan, qua việc sử dụng các lực lượng ủy nhiệm từ Afghanistan. Pakistan luôn tin rằng mục tiêu chiến lược của Ấn Độ là khuất phục Pakistan và thiết lập quyền bá chủ của họ ở “Tây Bangladesh.”

Pakistan cũng tin rằng sự răn đe hạt nhân đã khiến Ấn Độ từ bỏ chiến tranh và cưỡng ép, trong khi ngăn chặn tham vọng bá chủ của Ấn Độ.

Trong lúc các cuộc khủng hoảng lắng dịu và khu vực đang trở lại trạng thái bình thường, thế giới đang “thở phào nhẹ nhõm” nhưng vẫn buộc hai nước giải quyết vấn đề bằng giải pháp song phương.

Với các kho vũ khí tăng lên và các học thuyết quân sự được cải tổ, hai bên còn rất lâu mới đạt được sự ổn định.

Cuộc khủng hoảng trong tương lai xuất phát từ những “quan điểm thù hận” có thể dẫn tới các hành động gây sát thương.

Đây là lý do khiến chúng ta luôn dè chừng trước cuộc xung đột không ngừng giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân này.

Trừ phi Ấn Độ ngừng hành động đàn áp ở Kashmir và Pakistan loại bỏ các nhóm phiến quân trong nước, khu vực này vẫn luôn bên bờ vực chiến tranh. Đã đến lúc cộng đồng quốc tế chú tâm đến hai nguồn cơn gây bất ổn tại khu vực đầy biến động này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.