Trang mạng asiatimes.com mới đây đăng bài viết phân tích về mối quan hệ sâu sắc giữa Trung Quốc và Pakistan sẽ khiến Ấn Độ gặp khó khăn như thế nào.
Nội dung bài phân tích như sau:
Như dự đoán, Trung Quốc một lần nữa đi đến quyết định phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) đưa Masood Azhar vào cơ chế trừng phạt của Liên hợp quốc.
Đây là lần thứ tư Trung Quốc dùng quyền “phủ quyết kỹ thuật” trong thời gian gần đây.
Động thái của Trung Quốc ám chỉ rằng chủ nghĩa khủng bố là vấn đề quốc gia của chính Ấn Độ và điều đó cho thấy rằng chính sách của Trung Quốc đối với chủ nghĩa khủng bố “toàn cầu” và chiến lược Nam Á của nước này vẫn còn khoảng cách.
Hơn nữa, thậm chí cuộc tấn công khủng bố làm 41 người thiệt mạng ở Pulwama thuộc khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát đã không thể làm thay đổi quan điểm của Trung Quốc về những lo ngại của Ấn Độ.
Dường như mối quan hệ “sâu hơn đại dương” của Trung Quốc với Pakistan là quan trọng đối với lợi ích quốc gia hơn là tiếng tăm của Trung Quốc như là một “cường quốc mới nổi có trách nhiệm.”
Ấn Độ đã bỏ lỡ cơ hội trong phần lớn kỷ nguyên của “cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu”. Mỹ đã tạo ra “cụm từ này” ngay sau các vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 để vạch ra ranh giới giữa bạn và thù.
Ấn Độ đã đứng nhìn khi Mỹ sử dụng “cụm từ này” để truy đuổi những kẻ thù có thực và tưởng tượng ở Afghanistan và Iraq.
Trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, Mỹ đã đối xử với Pakistan như một đồng minh quan trọng ngoài NATO và tiếp tục nhìn theo cách khác thậm chí kể cả khi Pakistan lợi dụng chủ nghĩa chống khủng bố toàn cầu để đối phó với Ấn Độ.
[Ấn Độ cảnh báo Pakistan chịu hậu quả tàn khốc nếu khiêu khích thêm]
Pakistan thậm chí nhận hỗ trợ hậu hĩnh bằng tiền mặt và một số tài sản khác để chống lại Ấn Độ, điều này một lần nữa được chứng minh trong vụ không kích trả đũa Ấn Độ của Pakistan khi nước này sử dụng các máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất.
Thời điểm này có lẽ là hợp lý khi cho rằng chính Trung Quốc đã cung cấp tiền cho Pakistan thông qua dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), là thành phần quan trọng trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc.
Việc Trung Quốc cam kết cung cấp 62 tỷ USD cho CPEC có thể không làm thay đổi tương lai kinh tế của Pakistan nhưng nó sẽ được hiểu đây là một ý đồ mới của Trung Quốc.
Đối với Pakistan, CPEC được xem là ví dụ về khả năng thu lợi của mình khi trở thành một quốc gia chư hầu phục vụ cho lợi ích của một cường quốc hay nước lớn khác.
Đối với Trung Quốc, CPEC là biện pháp hữu hiệu giúp nước này đạt được những lợi ích không chỉ ở Pakistan, mà còn ở Afghanistan, Ấn Độ Dương, Iran và ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc.
Nhiều người ở Delhi tin rằng việc Ấn Độ ủng hộ Trung Quốc giữ chức Phó Chủ tịch Lực lượng đặc nhiệm tài chính của Liên Hợp Quốc (FATF) sẽ giúp thay đổi quan điểm của Trung Quốc đối với Masood Azhar.
Tuy nhiên, điều đó rõ ràng đã không diễn ra. Sự mặc cả tốt nhất có lẽ là Trung Quốc hy vọng Ấn Độ sẽ tham gia BRI.
Song, Ấn Độ hiểu rõ mình phải đi đầu phản đối BRI sau những diễn biến gần đây tại Sri Lanka, Malaysia, Uganda và những nơi khác ở châu Á và châu Phi. Vì vậy, sự trao đổi này sẽ là không thể.
Trong kịch bản hiện tại, khi đó các lựa chọn của Ấn Độ sẽ là gì? Xét từ một quan điểm thực tế nhất, người ta có thể cho rằng Trung Quốc một lần nữa lựa chọn quyền phủ quyết để thanh minh cho cuộc không kích phủ đầu của Ấn Độ nhằm vào doanh trại Balakot của tổ chức khủng bố Jaish-e-Mohammed.
Xét từ quan điểm của Ấn Độ, hệ thống toàn cầu hiện nay là hỗn loạn. Tiến trình đánh giá hoặc cấm một ai đó như là một tên khủng bố toàn cầu đã bị phá vỡ và sẽ chỉ quan tâm đến lợi ích của các nước lớn.
Ấn Độ phải thực dụng hơn trong việc nước này mong đợi Liên Hợp Quốc làm gì đó cho mình và vì thế có lý do chính đáng để sử dụng các biện pháp giải quyết vấn đề khủng bố qua biên giới mà nước này đang phải đối mặt.
Về phần mình, các hành động của Ấn Độ là sản phẩm của các lựa chọn sẵn có đối với nước này. Với Trung Quốc, Ấn Độ có thể mở rộng tranh luận trao đổi về các lợi ích cốt lõi cũng như khai thác các lựa chọn chính sách khác nhau.
Việc ngừng các cuộc tập trận chống khủng bố song phương “tay trong tay” nên là bước hợp lý tiếp theo. Nhìn chung, mối quan hệ song phương Ấn-Trung đang ở thời điểm thấp nhất.
Ở một mức độ khác, việc Ấn Độ không ngừng theo đuổi các mục tiêu quốc gia tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cũng làm tăng hoài nghi về việc liệu Ấn Độ có công nhận vai trò quyết định của Trung Quốc ở khu vực Nam Á hay không.
Nếu công nhận, khi đó Ấn Độ sẽ phải làm việc theo cách của mình thông qua tăng cường các biện pháp ngoại giao với Bắc Kinh.
Mặt khác, nếu các hành động của Ấn Độ có ý định dồn Trung Quốc vào thế một “cường quốc mới nổi có trách nhiệm”, khi đó điều này cũng là chưa đủ. Trung Quốc sẽ không bao giờ bị ngăn cản bởi vấn đề Pakistan.
Ấn Độ lúc đó tốt hơn là nhận thức được vấn đề này và theo đuổi các lợi ích quốc gia của chính mình./.