EC dùng cơ chế bình ổn tài chính để cho Hy Lạp vay 7 tỷ euro

Ủy ban châu Âu đã chính thức ủng hộ đề xuất sử dụng Cơ chế bình ổn tài chính châu Âu để giải quyết nhu cầu tiền mặt ngắn hạn của Hy Lạp.
EC dùng cơ chế bình ổn tài chính để cho Hy Lạp vay 7 tỷ euro ảnh 1Eurozone dự kiến đóng góp 40-50 tỷ euro cứu trợ Hy Lạp. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 15/7, các quan chức cho biết Ủy ban châu Âu (EC) đã chính thức ủng hộ đề xuất sử dụng Cơ chế bình ổn tài chính châu Âu (EFSM) để giải quyết nhu cầu tiền mặt ngắn hạn của Hy Lạp. Tuy nhiên, động thái này đã vấp phải sự phản đối của Anh và Đức.

Theo các quan chức, EC "đã chuẩn bị các đề xuất và sẽ đệ trình lên Hội đồng châu Âu... trong trường hợp không tìm ra một giải pháp khác" để tài trợ cho Hy Lạp cho tới giữa tháng 8/2015.

Theo đó, khoản vay bắc cầu ngắn hạn sẽ ở mức 7 tỷ euro và dự kiến được sử dụng trong vòng bốn tuần cho tới khi chương trình cứu trợ mới được tiến hành.

Trong khi chờ thỏa thuận cứu trợ ký kết hôm 13/7 được thực thi, Athens đang rất cần tiền cho các khoản thanh toán sắp tới, trong đó có việc trả 4,2 tỷ euro (4,6 tỷ USD) cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào ngày 20/7 tới.

Tuy nhiên, Anh tuyên bố sẽ phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm sử dụng EFSM (để cấp khoản vay ngắn hạn cho Hy Lạp), đồng thời cho rằng khoản tiền cứu trợ phải do 19 nước Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cung cấp chứ không phải của toàn bộ Liên minh châu Âu (EU) gồm 28 nước.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble bày tỏ sự hoài nghi về kế hoạch "không mấy mang tính xây dựng" này của EC./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.