Ngày 14/7, Ủy ban châu Âu (EC) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong năm nay và năm tới, đồng thời điều chỉnh dự báo lạm phát do tác động của cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Cụ thể, EC dự báo kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng ở mức 2,6% trong năm nay, thấp hơn so với mức 2,7% được đưa ra vào tháng 5.
Trong năm tới, khi tác động của cuộc khủng hoảng tại Ukraine và giá năng lượng tăng cao trở nên rõ ràng hơn, tăng trưởng kinh tế của Eurozone sẽ ở mức 1,4%, thay vì 2,3% như dự báo trước đó.
Trong khi đó, dự báo tăng trưởng kinh tế của toàn bộ Liên minh châu Âu (EU) vẫn giữ nguyên ở mức 2,7% trong năm nay, nhưng giảm đi còn 1,5% trong năm tới thay vì ở mức 2,3% như tính toán trước đó.
EC dự báo lạm phát của Eurozone sẽ đạt đỉnh ở mức 7,6% trong năm nay, trước khi giảm xuống còn 4% trong năm 2023. Tháng 5 vừa qua, EC đã dự báo giá cả tại Eurozone sẽ tăng 6,1% trong năm nay và 2,7% vào năm sau.
Cơ quan này cảnh báo lạm phát thậm chí có thể tăng cao hơn nếu giá khí đốt tiếp tục tăng do Nga giảm nguồn cung mặt hàng này. Bên cạnh đó, EC cũng không loại trừ khả năng đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại.
Bất chấp những nguy cơ trên, EC nhận định Eurozone sẽ không rơi vào suy thoái và các con số dự báo trên có thể cải thiện, nếu xu giá dầu và hàng hóa tiêu dùng tiếp tục đà giảm như thời gian gần đây.
Với tỷ lệ thất nghiệp thấp ở mức kỷ lục, EC đánh giá tiêu dùng cá nhân có thể thích ứng tốt hơn với đà tăng của giá cả, nếu các hộ gia đình sử dụng nhiều hơn khoản tiền tiết kiệm của họ.
Xét theo quốc gia, tăng trưởng của Đức - nền kinh tế lớn nhất EU- sẽ ở mức 1,4% trong năm nay và 1,3% trong năm 2023. Tương tự, kinh tế Pháp sẽ tăng trưởng ở mức 2,4% trong năm nay và 1,4% trong năm sau.
Các con số này đều thấp hơn các dự báo được đưa ra vào tháng 5. Trong số 3 nền kinh tế lớn nhất EU, Italy là quốc gia duy nhất có dự báo tăng trưởng kinh tế tăng lên so với trước đó.
[Giám đốc ESM: Eurozone có thể vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay]
Cụ thể, trong năm nay, kinh tế Italy được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 2,9%, thay vì 2,4% như được công bố vào tháng 5. Tuy nhiên, sang năm sau, EC dự báo kinh tế Italy sẽ tăng trưởng ở mức 0,9%, thay vì mức 1,9% như dự báo cũ.
Cùng ngày, chứng khoán châu Âu đã giảm điểm khi ngày càng nhiều nhà đầu tư tin rằng sẽ có thêm những đợt tăng lãi suất mạnh từ Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Cụ thể, chỉ số STOXX 600 của châu Âu đã giảm 0,7%, một ngày sau khi Bộ Lao động Mỹ cho biết tỷ lệ lạm phát tại Mỹ trong tháng 6 tăng lên 9,1% - mức cao nhất trong vòng 40 năm qua.
Trong khi đó, chỉ số chứng khoán MIB tại Italy đã giảm 2,2% xuống gần mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020, trong bối cảnh chính phủ nước này đứng trước nguy cơ tan rã khi đảng Phong trào 5 sao tuyên bố không tham gia cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội./.