EC hối thúc Nga tạo thuận lợi cho hoạt động nhân đạo tại Mariupol

Bộ Quốc phòng Nga cho biết Moskva đã sẵn sàng thực thi một lệnh ngừng bắn nhân đạo tại nhà máy thép Azovstal - căn cứ cuối cùng của quân đội Ukraine ở thành phố cảng chiến lược Mariupol.
EC hối thúc Nga tạo thuận lợi cho hoạt động nhân đạo tại Mariupol ảnh 1Một tòa nhà chung cư bị hư hại trong cuộc xung đột tại Mariupol, Ukraine, ngày 17/4. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 22/4, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel đã có cuộc điện đàm cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó quan chức châu Âu hối thúc Moskva tạo điều kiện cho các hoạt động tại thành phố Mariupol của Ukraine trong thời gian diễn ra Lễ Phục sinh.

Trong một thông báo đăng trên Twitter sau cuộc điện đàm trên, Chủ tịch Michel nêu rõ EC kêu gọi Nga ngay lập tức tạo điều kiện cho các hoạt động nhân đạo, cũng như thiết lập hành lang đi lại an toàn trong dịp lễ Phục sinh tại Mariupol và các thành phố khác của Ukraine mà Nga đang kiểm soát.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Bộ Quốc phòng Nga cùng ngày cho biết Moskva đã sẵn sàng thực thi một lệnh ngừng bắn nhân đạo tại nhà máy thép Azovstal - căn cứ cuối cùng của quân đội Ukraine ở thành phố cảng chiến lược Mariupol - nếu toàn bộ binh sỹ Ukraine hạ vũ khí.

Trước đó, phía Nga tuyên bố đã giành được quyền kiểm soát toàn bộ thành phố Đông Nam Ukraine này, ngoại trừ khu công nghiệp Azovstal rộng lớn. Tổng thống Putin đã ra lệnh phong tỏa các nhà máy thép.

[Ukraine: Thị trưởng Mariupol kêu gọi sơ tán hoàn toàn dân thường]

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh: "Chúng tôi một lần nữa tuyên bố rằng Nga sẵn sàng thực thi một lệnh ngừng bắn vào bất cứ thời điểm nào nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động sơ tán nhân đạo."

Tuy nhiên, bộ này cũng nêu rõ lệnh ngừng bắn sẽ được bắt đầu với việc các lực lượng Ukraine tại Azovstal ra hàng.

Trong khi đó, Điện Kremlin cũng cho biết tại cuộc điện đàm với Chủ tịch EC Michel, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh sẽ chỉ hội đàm trực tiếp với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky nếu các cuộc thảo luận giữa hai bên đi đến những kết quả cụ thể.

Theo ông, hiện Kiev chưa cho thấy nước này sẵn sàng tìm kiếm các giải pháp cả hai bên cùng chấp nhận được và còn "thiếu nhất quán" trong các cuộc đàm phán.

Ngày 22/4, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan thông báo kế hoạch tổ chức các cuộc điện đàm với hai người đồng cấp Nga và Ukraine trong những ngày tới.

Ông đồng thời bày tỏ hy vọng các cuộc điện đàm có thể giúp xúc tiến một cuộc gặp trực tiếp của các nhà lãnh đạo này ở Thổ Nhĩ Kỳ nhằm chấm dứt xung đột Nga-Ukraine hiện nay.

Phát biểu với báo giới khi được hỏi về cuộc hòa đàm giữa Kiev và Moskva, Tổng thống Erdogan khẳng định "không phải là không có hy vọng" và cho biết các cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự kiến sẽ diễn ra trong ngày 22/4 hoặc 23/4.

Ông nêu rõ: "Với các cuộc điện đàm này, chúng tôi có kế hoạch thực hiện tiến trình này ở Istanbul ở cấp độ các lãnh đạo."

Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có chung đường biên giới với Ukraine và Nga ở Biển Đen, có quan hệ tốt với cả hai nước này và đã đóng vai trò trung gian hòa giải.

Ankara đã tổ chức các cuộc hội đàm giữa ngoại trưởng Ukraine và Nga ở Antalya và cuộc gặp giữa các nhà đàm phán của cả hai nước ở Istanbul, đồng thời đang nỗ lực thúc đẩy một cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cùng ngày cho biết nước này đang lên kế hoạch mở lại đại sứ quán ở thủ đô Kiev của Ukraine vào tuần tới.

Phát biểu trong chuyến thăm hai ngày tới Ấn Độ, Thủ tướng Johnson nêu rõ: "Hôm nay, tôi có thể thông báo rằng chúng tôi sẽ sớm mở lại đại sứ quán của mình tại thủ đô của Ukraine trong tuần tới."

Tháng 2 vừa qua, trước những thông tin về chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, chính phủ Anh đã tạm thời di dời văn phòng đại sứ quán của nước này ở Kiev, cũng như các nhân viên sứ quán làm việc tại đây, tới một văn phòng khác của Đại sứ quán Anh ở thành phố Lvov.

Hiện Anh đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt nhằm vào các cá nhân và thực thể của Nga, như đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với các tỷ phú và chính trị gia nổi tiếng của Nga, trong đó có cả Tổng thống Vladimir Putin.

Theo Thủ tướng Johnson, các lệnh cấm chuyển giao công nghệ tới Nga đã phát huy hiệu quả và sẽ được tiếp tục duy trì./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.