EC kêu gọi Anh không dẫn độ nhà sáng lập WikiLeaks đến Mỹ

Ủy viên về nhân quyền EU đã truyền đạt quan điểm của mình về việc dẫn độ nhà sáng lập trang mạng WikiLeaks với Bộ trưởng Nội vụ Anh thông qua một bức thư.
EC kêu gọi Anh không dẫn độ nhà sáng lập WikiLeaks đến Mỹ ảnh 1Ông Julian Assange. (Nguồn: coe.int)

Theo Sputnik, ngày 18/5, Hội đồng châu Âu (EC) thông báo Ủy viên về nhân quyền, bà Dunja Mijatovic, đã kêu gọi Chính phủ Anh không cho phép dẫn độ nhà sáng lập trang mạng WikiLeaks, ông Julian Assange đến Mỹ.

Thông báo trên nêu rõ: "Trong một bức thư được công bố hôm nay, ủy viên EC về nhân quyền Mijatovic đã kêu gọi Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel không dẫn độ ông Assange."

Trong bối cảnh quyết định về việc dẫn độ ông Assange đang chờ xử lý, bà Mijatovic đã quyết định trực tiếp truyền đạt quan điểm của mình về vấn đề này với bà Patel thông qua bức thư ngày 10/5.

Đặc biệt, ủy viên EC lưu ý rằng "những tác động nhân quyền rộng hơn trong việc ông Assange có thể bị dẫn độ... cho đến nay vẫn chưa được xem xét đầy đủ."

Hôm 17/5, luật sư của ông Assange đã kiến nghị Bộ trưởng Nội vụ Anh ngăn chặn việc dẫn độ thân chủ của mình sang Mỹ.

[Tòa án Tối cao Anh bác yêu cầu kháng cáo của nhà sáng lập WikiLeaks]

Trước đó, ngày 20/4, một tòa án của Anh đã ra phán quyết chính thức dẫn độ ông Julian Assange sang Mỹ để hầu tòa với cáo buộc tiết lộ các hồ sơ mật liên quan đến các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.

Quyết định cuối cùng hiện giờ thuộc về Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel. Tuy nhiên, các luật sư bào chữa cho ông Assange có thể vẫn kháng cáo trong vòng 14 ngày kể từ khi có bất kỳ quyết định nào về việc chấp thuận dẫn độ.

Ông Assange, 50 tuổi, bị cáo buộc vi phạm Luật Gián điệp Mỹ về công bố các hồ sơ ngoại giao và quân sự năm 2010. Ông có thể bị phạt tù 175 năm nếu bị tuyên có tội.

Nhân vật này cũng từng bị cảnh sát Thụy Điển điều tra các cáo buộc quấy rối tình dục. Từ năm 2019, Assange bị giam giữ tại London do vi phạm các điều kiện bảo lãnh.

Trước đó, ông này có 7 năm ở Đại sứ quán Ecuador ở London để tránh bị dẫn độ sang Thụy Điển. Tuy nhiên, chính phủ mới tại Ecuador đã hủy bỏ quy chế bảo vệ ngoại giao.

Mỹ muốn xét xử nhà sáng lập WikiLeaks liên quan đến việc công bố 500.000 hồ sơ quân sự mật liên quan đến các cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành tại Iraq và Afghanistan.

Tháng 1/2021, ông Assange dường như được hoãn dẫn độ với lý do ông có thể tự sát nếu bị giam biệt lập tại một cơ sở của Mỹ trong điều kiện an ninh tối đa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.