EC tiếp tục có hành động pháp lý với Ba Lan liên quan cải cách tư pháp

Ủy ban châu Âu (EC) đã có hành động pháp lý mới chống lại Chính phủ Ba Lan liên quan đến những cải cách tư pháp gây tranh cãi của nước này.
EC tiếp tục có hành động pháp lý với Ba Lan liên quan cải cách tư pháp ảnh 1Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 3/4, Ủy ban châu Âu (EC) đã có hành động pháp lý mới chống lại Chính phủ Ba Lan liên quan đến những cải cách tư pháp gây tranh cãi của nước này, đồng thời nhấn mạnh cơ chế kỷ luật mới mà Ba Lan áp dụng đối với những thẩm phán "giáng một đòn mạnh" vào tính độc lập của ngành tư pháp.

Trong một thông cáo, Phó Chủ tịch EC Frans Timmermans cho biết cơ quan này đang soạn thảo thông báo chính thức về hành vi vi phạm của Ba Lan liên quan đến những nguyên tắc kỷ luật đối với các thẩm phán nước này.

Ông Timmermans nêu rõ mục đích chính của cơ chế kỷ luật này là buộc các thẩm phán phải "chịu sự kiểm soát chính trị một cách hệ thống của bên hành pháp." Trong đó, những thẩm phán tham gia các cuộc tranh luận công khai hoặc bình luận về những chương trình cải cách trở thành mục tiêu kỷ luật.

[EU hối thúc giải quyết vấn đề về cải tổ tư pháp tại Ba Lan]

Ông Timmermans nhấn mạnh điều này rõ ràng tác động mạnh đến hoạt động của các thẩm phán và hoàn toàn không phù hợp với yêu cầu của Tòa án Công lý châu Âu về tính độc lập của thẩm phán. EC cho biết sẽ gửi văn bản thông báo đến nhà chức trách Ba Lan. Chính phủ Ba Lan có thời hạn 2 tháng để đáp lại những khiếu nại trên.

Kể từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2015, đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền của Ba Lan đã tích cực tiến hành cải cách tư pháp. Trong đó, những thẩm phán có thể bị điều tra và cuối cùng bị trừng phạt nếu nhà chức trách phát hiện các phán quyết của họ không thích đáng.

Hồi năm 2017 và 2018, EC đã lần lượt tiến hành 2 thủ tục tương tự chống lại Ba Lan liên quan đến những cải cách quy định về hưu đối với các thẩm phán và thẩm phán tòa án tối cao, cũng như tác động đến tính độc lập của thẩm phán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.