ECB giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục, sẵn sàng hỗ trợ nền kinh tế

ECB giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 0,05% nhằm ngăn nguy cơ Eurozone rơi vào tình trạng giảm phát, đồng thời tuyên bố sẵn sàng hành động thêm để hỗ trợ nền kinh tế khu vực này.
ECB giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục, sẵn sàng hỗ trợ nền kinh tế ảnh 1(Nguồn: AFP)

Tại cuộc họp chính sách hàng tháng ngày 6/11, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 0,05% nhằm ngăn chặn Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) rơi vào tình trạng giảm phát, đồng thời, ECB tuyên bố sẵn sàng có thêm hành động để hỗ trợ nền kinh tế Eurozone.

ECB cũng duy trì lãi suất tiền gửi ở mức -0,2% để khuyến khích các ngân hàng thương mại trong khu vực tích cực cho vay.

Việc hạ lãi suất tiền gửi xuống ngưỡng âm đồng nghĩa với việc các ngân hàng thương mại sẽ bị tính phí nếu họ gửi tiền tại ngân hàng trung ương mà không cho vay tiền.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách, Chủ tịch ECB, Mario Draghi cho hay ECB sẽ tiến hành các biện pháp khác thường nếu thấy cần thiết để đối phó với những nguy cơ nảy sinh từ việc lạm phát ở mức thấp trong một thời gian dài.

Các nhân viên ECB và các ủy ban liên quan đã được trao nhiệm vụ chuẩn bị về mặt kỹ thuật để ECB đưa ra các biện pháp nói trên.

Quyết định này được đưa ra vào thời điểm lạm phát trong tháng Mười tại Eurozone chỉ tăng 0,4% so với một năm trước đó, do tình hình tăng trưởng kinh tế yếu ở khu vực Nam Âu cộng thêm giá năng lượng giảm.

Như vậy, đây là tháng thứ 13 liên tiếp, mức tăng lạm phát trong khu vực này ở dưới ngưỡng 1%. Việc lạm phát ở mức thấp và cách xa mục tiêu xấp xỉ 2% của ECB đặt ra đang làm dấy lên mối quan ngại rằng Eurozone có thể rơi vào tình trạng giảm phát.

Chủ tịch Draghi đã nói rằng ECB có thể triển khai các biện pháp "khác thường", chẳng hạn như mua trái phiếu quy mô lớn để bơm tiền vào nền kinh tế, nếu tình hình kinh tế xấu đi.

Tuy nhiên, ECB vẫn chưa tung ra các biện pháp này phần vì muốn tạo cơ hội cho các biện pháp mà ECB đã áp dụng (gồm hạ lãi suất cơ bản, cung cấp các khoản cho vay lãi suất thấp cho các ngân hàng và mua trái phiếu được đảm bảo bằng các khoản cho vay của ngân hàng) có thời gian phát huy hiệu quả.

Sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed, Ngân hàng trung ương) kết thúc chương trình mua trái phiếu hay còn gọi là chương trình nới lỏng định lượng (QE) và Ngân hàng trung ương Nhật Bản thông báo sẽ mở rộng chương trình mua tài sản, các thị trường giờ đây đang dồn sự quan tâm vào ECB, chờ xem liệu ngân hàng này có tiến hành các biện pháp quyết liệt hơn như triển khai chương trình QE, thực chất là in thêm tiền để mua một lượng lớn trái phiếu chính phủ nhằm qua đó bơm tiền vào nền kinh tế.

Tuyên bố của Chủ tịch ECB đã khiến các thị trường chứng khoán châu Âu và chứng khoán Mỹ đồng loạt lên điểm, trong khi đồng euro xuống giá mạnh.

Ngay sau khi ông Draghi đưa ra tuyên bố trên, đồng euro đã giảm xuống 1,2396 USD, lần đầu tiên kể từ tháng 8/2012 giao dịch ở dưới ngưỡng 1,24 USD, trong khi chỉ số chứng khoán FTSEurofirst 300, bao gồm các cổ phiếu hàng đầu châu Âu, tăng 1%.

Tuy nhiên, kết thúc phiên 6/11, đồng euro giao dịch ở mức 1 euro = 1,2375 USD và chỉ số FTSEurofirst 300 chỉ tăng 0,19%.

Đóng cửa phiên tại thị trường Phố Wall (Mỹ), chỉ số chứng khoán Dow Jones và S&P chạm mức cao lần lượt là 17.544,47 và 2.031,21 điểm, tăng 0,4% và 0,38%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.