Theo các nguồn thạo tin, trước mối lo Hy Lạp có thể sẽ rời khỏi mái nhà Eurozone sau 11 năm gắn bó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã trì hoãn việc giải ngân khoản cứu trợ tài chính cho Hy Lạp đến cuối tháng này.
Trước đó, ngày 11/6, cuộc đàm phán về thỏa thuận cứu trợ cho Hy Lạp tại Brussels (Bỉ) rơi vào bế tắc khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bất ngờ rút phái đoàn đàm phán, do cõ quá nhiều bất đồng.
Khả năng đạt được thỏa thuận để giải ngân cho Hy Lạp khoản tiền 7,2 tỷ euro còn lại trong gói cứu trợ quốc tế trị giá nhiều tỷ euro là rất xa vời.
Gói cứu trợ quốc tế dành cho Hy Lạp sẽ hết hạn vào cuối tháng này và Hy Lạp rất cần số tiền cứu trợ trên để tránh bị vỡ nợ mà hệ quả sau đó có thể là Athens buộc phải ra khỏi Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone).
Bất chấp thời hạn chót thanh toán nợ, Hy Lạp vẫn phản đối những biện pháp cải cách mạnh tay mà các chủ nợ yêu cầu.
Hy Lạp được lùi thời hạn thanh toán khoản vay 300 triệu euro cho IMF cho đến cuối tháng này, thời điểm nước này sẽ phải trả tổng cộng 1,6 tỷ euro cho IMF.Thêm vào đó là khoản 3,5 tỷ euro trả cho ECB trước ngày 20/7.
Hy Lạp và các chủ nợ đang tranh luận về khả năng gia hạn chương trình cứu trợ hiện nay đến tháng 3/2016.
Một quan chức Eurozone giấu tên được hãng tin AFP lời nói trong cuộc họp ngày 12/6 tại Bratislava (Slovakia), các quan chức đã thảo luận về nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
Phó Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) phụ trách đồng euro, Valdis Dombrovskis cho hay các quốc gia thành viên đều muốn có sự chuẩn bị tốt nhất cho mọi khả năng. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Litva Rimantas Sadzius cho rằng cần phải đánh giá mọi kịch bản có thể xảy ra.
Theo kế hoạch, các bên sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề khủng hoảng nợ Hy Lạp tại cuộc họp các Bộ trưởng tài chính tại Luxembourg trong ngày 18/6 tới./.