Ngày 22/11, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhận định sự ổn định tài chính của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ vẫn mong manh.
Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh ECB tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ, một số nước châu Âu vẫn ghi nhận mức lạm phát cao cùng với tác động của các yếu tố bên ngoài như các cuộc xung đột trên thế giới.
Trong báo cáo mới nhất về Đánh giá Ổn định Tài chính, ECB cho rằng viễn cảnh kinh tế u ám của Eurozone cùng với những tác động tiêu cực do lạm phát gây ra đang khiến người dân, doanh nghiệp và chính phủ gặp khó khăn trong việc trả nợ.
Trong khi đó, chi phí vay cao hơn đang gây tổn hại cho tăng trưởng kinh tế của 20 quốc gia thành viên của Eurozone. Tác động này có thể được ghi nhận ở nhiều ngành nghề kinh doanh dịch vụ như thị trường bất động sản và ngân hàng. Cụ thể, chi phí cho vay cao hơn thì dòng tiền của các nhà đầu tư và khách hàng đổ vào thị trường bất động sản sẽ hạn chế. Các ngân hàng gặp khó khăn khi nhu cầu vay vốn sụt giảm.
Do đó, báo cáo Đánh giá Ổn định Tài chính cho rằng nguy cơ Eurozone rơi vào suy thoái kinh tế có thể xảy ra.
ECB dự báo bất động sản tại Eurozone suy giảm trong nhiều năm
ECB nhấn mạnh giá trị của các bất động sản thương mại đã chịu tác động do tình hình kinh tế suy giảm và lãi suất cao trong năm ngoái, ảnh hưởng tới lợi nhuận và mô hình kinh doanh của lĩnh vực này.
Hồi tuần trước, Ủy ban châu Âu (EC) đã hạ dự báo tăng trưởng của Eurozone trong năm nay và năm 2024. Theo đó, EC dự báo tăng trưởng Eurozone trong năm 2023 giảm 0,2 điểm phần trăm, dừng ở mức 0,6%, trong khi đó tăng trưởng của năm 2024 là 1,2%, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.
Ngoài ra, báo cáo cho rằng những yếu tố bên ngoài như ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel đang “phủ bóng” lên triển vọng ổn định tài chính và tăng trưởng kinh tế của khu vực Eurozone.
Nhằm kiềm chế lạm phát, trong vòng một năm qua, ECB đã tăng lãi suất 10 lần liên tiếp. Sau chuỗi tăng liên tiếp chưa từng có nói trên, đến ngày 26/10, ngân hàng này đã quyết định giữ nguyên mức lãi suất tiền gửi ở mức 4%, trong khi lãi suất cơ bản ở mức 4,5%.
Đến tháng 10 vừa qua, tỷ lệ lạm phát ở Eurozone đã giảm xuống còn 2,9%, song vẫn cao hơn so với mức mục tiêu 2% của ECB./.