ECJ vô hiệu hóa thỏa thuận chia sẻ dữ liệu cá nhân giữa châu Âu và Mỹ

"Lá chắn bảo mật" là thỏa thuận về việc trao đổi dữ liệu trên các máy chủ xuyên Đại Tây Dương để phục vụ các mục đích thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.
ECJ vô hiệu hóa thỏa thuận chia sẻ dữ liệu cá nhân giữa châu Âu và Mỹ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Microsoft)

Ngày 16/7, Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) đã vô hiệu hóa thỏa thuận chia sẻ dữ liệu quan trọng giữa châu Âu và Mỹ có tên "Lá chắn bảo mật" (Privacy Shield). Động thái này có nguy cơ đẩy nhiều tập đoàn công nghệ lớn rơi vào những rắc rối pháp lý.

Trong phán quyết của mình, ECJ cho rằng thỏa thuận trên không thể cung cấp đủ sự bảo vệ cho người dân châu Âu trước các đạo luật an ninh và giám sát của Mỹ.

Phán quyết của ECJ được đưa ra trong vụ kiện với nguyên đơn là nhà hoạt động người Áo Max Schrems. Ông Schrems đâm đơn kiện sau vụ rò rỉ thông tin từ cựu nhân viên Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden về việc các cơ quan chính phủ Mỹ thực hiện hàng loạt vụ do thám kỹ thuật số.

Khi đó, tòa án châu Âu vẫn khẳng định vụ việc không phù hợp với các tiêu chuẩn về quyền riêng tư của châu lục này.

Ngay sau khi quyết định trên được đưa ra, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết Washington "vô cùng thất vọng" với phán quyết của ECJ. Ông Ross khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban châu Âu (EC) về vấn đề này.

Bộ trưởng Ross cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận Lá chắn Bảo mật tới hoạt động của các doanh nghiệp, trong bối cảnh hai nền kinh tế đang từng bước phục hồi trước những tác động từ dịch COVID-19.

"Lá chắn bảo mật" là thỏa thuận về việc trao đổi dữ liệu trên các máy chủ xuyên Đại Tây Dương để phục vụ các mục đích thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Hiện có hơn 5.000 công ty Mỹ sử dụng thỏa thuận này.

Các thẩm phán cho biết, dù thỏa thuận đòi hỏi Mỹ phải tuân thủ luật pháp châu Âu về quyền riêng tư, nhưng các điều khoản trong thỏa thuận "không cho phép người châu Âu quyền kiện ra tòa chống lại chính quyền Mỹ".

CCIA, một tổ chức vận động hành lang cho "đại gia công nghệ" Mỹ Facebook, đã lên chỉ trích phán quyết của ECJ, khi cho rằng điều này sẽ tạo ra nhiều rủi ro về pháp lý đối với hàng nghìn công ty lớn nhỏ ở hai bờ Đại Tây Dương.

CCIA bày tỏ hy vọng EU và giới hoạch định chính sách Mỹ sẽ tìm ra một giải pháp bền vững và phù hợp với luật pháp EU, nhằm đảm bảo tính liên tục của các dòng dữ liệu đang góp phần củng cố nền kinh tế xuyên Đại Tây Dương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.