EIU: Ảnh hưởng quốc tế của Pháp "xuống dốc không phanh"

Theo nhận định của EIU thuộc Tập đoàn The Economist, ảnh hưởng quốc tế của Pháp đang giảm sút đáng kể đúng vào thời điểm EU có những thay đổi lớn.
EIU: Ảnh hưởng quốc tế của Pháp "xuống dốc không phanh" ảnh 1Tổng thống Pháp François Hollande. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc Tập đoàn The Economist (Anh) ngày 12/7 nhận định rằng ảnh hưởng quốc tế của Pháp đang giảm sút đáng kể đúng vào thời điểm Liên minh châu Âu (EU) có những thay đổi lớn.

Theo EIU, thực tế này chủ yếu xuất phát từ tình trạng trì trệ của nền kinh tế Pháp khi mà họ thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ không giống như cách thức khá ấn tượng của nước Đức.

Dư luận khá bất ngờ khi Tổng thống Pháp François Hollande tỏ ra rất bình thản trước những diễn biến liên quan đến việc đề cử Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker.

Từ trước đến nay, Pháp vẫn luôn ủng hộ việc quản lý và vận hành EU dựa trên nền tảng liên chính phủ.

Ảnh hưởng quốc tế của Pháp rõ ràng đang suy giảm mạnh. Điều này cũng tương tự với trường hợp Italy.

Tuy nhiên, tại hội nghị thượng đỉnh lần này, Italy đã "trình làng" một thủ tướng năng động với chương trình nghị sự đầy tham vọng trong khi ông Hollande không tạo ra bất cứ ấn tượng nào khi các nhà lãnh đạo châu Âu nhóm họp để quyết định về ứng cử viên cho chức Chủ tịch EC. Vai trò mờ nhạt của ông Hollande phần nào cũng do tỷ lệ ủng hộ của cử tri trong nước dành cho ông đang ở mức thấp.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của Pháp xuống dốc không chỉ xuất phát từ ông Hollande. Những năm gần đây, châu Âu đã chứng kiến một sự chuyển dịch đáng kể về cơ cấu ảnh hưởng và quyền lực.

Từ trước tới nay, mọi người đều cho rằng trục Đức-Pháp là "xương sống" của cả EU, và chính sách của khối này trên thực tế xoay xung quanh những tính toán của cả Paris cũng như Berlin.

Giờ đây, cán cân quyền lực ở EU đã thay đổi khi vai trò và ảnh hưởng của Nghị viện châu Âu (EP) được gia tăng, đặc biệt là sau việc đề cử ông Juncker.

Nhiều câu hỏi đã được đặt ra xung quanh việc nước Pháp đang đánh mất ảnh hưởng ở châu Âu. Một số ý kiến cho rằng Pháp chấp nhận vai trò "chiếu dưới" để "lùi một bước tiến hai bước." Cũng có ý kiến cho rằng đó là sự thoái trào của cả một hệ thống./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.