El Nino diễn ra với cường độ mạnh vào cuối năm 2023, đầu năm 2024

Do tác động của El Nino đối với Việt Nam gia tăng vào các tháng cuối năm 2023, đầu năm 2024 nên mùa khô ở Tây Nguyên và xâm nhập mặn ở Nam Bộ khả năng khốc liệt hơn.
El Nino diễn ra với cường độ mạnh vào cuối năm 2023, đầu năm 2024 ảnh 1Mực nước hồ Trị An xuống rất thấp do ảnh hưởng của El Nino. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

Hiện tượng El Nino xuất hiện vào nửa cuối mùa hè năm 2023 và có khả năng duy trì đến năm 2024.

Theo quan trắc mới nhất vào tuần cuối tháng 9/2023, nhiệt độ mặt nước biển khu vực xích đạo trung tâm Thái Bình Dương đang cao hơn khoảng 1,5 độ C so với trung bình nhiều năm.

Dự báo, thời gian đỉnh điểm của El Nino xảy ra trong mùa là từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024 với xác suất gia tăng cường độ mạnh khoảng 73%; xác suất đạt cường độ trung bình khoảng trên 95%.

Xâm nhập mặn gay gắt

Nhận định về hiện tượng El Nino xảy ra lần này, Phó Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Nguyễn Đức Hòa cho biết hiện tượng El Nino sẽ kéo dài từ nay đến những tháng đầu năm 2024 với xác suất trên 95%.

Do tác động của El Nino đối với Việt Nam gia tăng vào các tháng cuối năm 2023, đầu năm 2024 nên mùa khô ở Tây Nguyên và Nam Bộ khả năng khốc liệt hơn.

Hạn hán, xâm nhập mặn có thể diễn ra trên diện rộng vào thời kỳ này. Điều này khiến nhiều địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng chịu ảnh hưởng trực tiếp của xâm nhập mặn, khô hạn; phạm vi ảnh hưởng cho các vùng cách biển từ 30-70km.

El Nino diễn ra mạnh vào cuối năm cũng sẽ làm lượng mưa ở các quốc gia lưu vực sông Mekong và ở Đồng bằng sông Cửu Long ít hơn.

Đề cập đến mực nước ở hạ lưu sông Mekong, ông Nguyễn Đức Hòa cho rằng tháng 10/2023, mực nước phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 5-15%; tháng 11/2023, mức thấp hơn 10-20% so với trung bình nhiều năm.

Từ tháng 12/2023-2/2024, mực nước phổ biến thấp hơn 15-30% so với trung bình nhiều năm. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long cũng biến đổi chậm theo triều với xu thế xuống dần.

"Nếu xâm nhập mặn đến sớm và thời gian kéo dài với độ mặn cao, một số vùng dọc theo sông Tiền, sông Hậu thuộc Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre và Tiền Giang có thể bị hạn mặn cục bộ cho các trà lúa và vườn cây ăn trái," ông Nguyễn Đức Hòa lưu ý.

Theo nhận định của ông Nguyễn Đức Hòa, El Nino có khả năng diễn ra với cường độ trung bình đến mạnh. Trong trường hợp El Nino năm nay mạnh như năm 2015-2016 và 2019-2020, tình hình hạn mặn đầu năm 2024 có thể sẽ rất gay gắt; mặn sẽ lấn sâu vào vùng ven biển.

[Dự báo mùa Đông 2023-2024 sẽ ấm hơn so với trung bình nhiều năm]

Trong trường hợp El Nino cực đoan, các công trình ngăn mặn chỉ phát huy tác dụng vào đầu mùa khô. Đến giữa mùa khô từ tháng 2/2024 trở đi, dù có ngăn mặn từ biển vào, bên trong vẫn thiếu nước ngọt.

Cùng với đó, trong các tháng mùa khô 2023-2024, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều.

Xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long khả năng đến sớm hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Do vậy, người dân cần có kế hoạch ứng phó, chủ động trước xâm nhập mặn.

El Nino diễn ra với cường độ mạnh vào cuối năm 2023, đầu năm 2024 ảnh 2El Nino sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng xâm nhập mặn. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Mùa mưa năm nay theo dự báo chỉ tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 9-10 và sẽ kết thúc sớm vào giữa tháng 11.

Cùng với đó, các tháng mùa khô ít có khả năng xuất hiện mưa trái mùa. Do vậy, trong mùa khô năm 2023-2024, xâm nhập mặn dự báo xuất hiện sớm so với trung bình nhiều năm một tháng (bắt đầu vào giữa hoặc cuối tháng 12).

Trước những dự báo trên, các địa phương trong vùng sẽ phải xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để ứng phó với tình hình xâm nhập mặn sớm và sâu hơn, nhằm đảm bảo đủ lượng nước cho sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.

Chủ động các giải pháp ứng phó

Theo ông Nguyễn Đức Hòa, thực tế thời tiết trong năm cho thấy, do ảnh hưởng của El Nino, nắng nóng đã xuất hiện sớm, gay gắt và có nhiều ngày nắng nóng hơn hơn so với năm 2022.

Các đợt nắng nóng dài hơn, khoảng 5-7 ngày, riêng khu vực Trung Bộ kéo dài hơn; tháng 5 vừa qua, đã ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục.

Điển hình như, tại Tương Dương-Nghệ An ngày 7/5, nền nhiệt cao nhất đo được lên tới 44,2 độ C. Đây là kỷ lục mới về nhiệt độ cao nhất đo được ở Việt Nam từ trước đến nay.

Ngày 17/5, nhiệt độ tại Thủ đô Hà Nội lên tới 41,3 độ C, vượt mức lịch sử tháng 5 mới thiết lập vào năm 2020.

El Nino diễn ra với cường độ mạnh vào cuối năm 2023, đầu năm 2024 ảnh 3Nhiều địa phương trên cả nước ghi nhận nắng nóng gay gắt do El Nino. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Đầu tháng 6, nhiệt độ tại Mường La (Sơn La) cũng liên tiếp phá vỡ kỷ lục, lên tới 43,8 độ C; đây là giá trị nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay tại đây.

Đi kèm nắng nóng là nguy cơ hạn hán xảy ra từ tháng 4-8/2023 ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên.

Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) hiện đã có công văn báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống Thiên tai cảnh báo tác động của El Nino, thông tin cho các bộ, ngành, địa phương có phương án ứng phó.

Những việc cần làm trước mắt và lâu dài đối với các bộ, ngành, địa phương đã được Thủ tướng yêu cầu trong Công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13/5/2023 về chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu cơ quan khí tượng thủy văn và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch ứng phó cụ thể, trong đó, tăng cường tần suất bản tin chuyên đề về hiện tượng El Nino, dự báo lượng mưa và nguồn nước trên các lưu vực sông; cung cấp kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo nguồn nước phục các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp.

Các cơ quan chức năng cũng rà soát, đánh giá nhu cầu dùng nước cho sản xuất và sinh hoạt để có kế hoạch điều chỉnh phù hợp, đặc biệt là đối với vụ Đông Xuân ở Bắc Trung Bộ, Trung Bộ, hoặc các khu có hoạt động phát triển du lịch lớn trong những tháng mùa khô 2023.

Chủ các hồ chứa cũng được yêu cầu xem xét điều chỉnh kế hoạch vận hành, sản xuất để ứng phó với nguy cơ thâm hụt lượng mưa trong điều kiện El Nino./.

El Nino là thuật ngữ được dùng để chỉ hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và đông Thái Bình Dương, kéo dài 8-12 tháng hoặc lâu hơn, thường xuất hiện 3-4 năm một lần, song cũng có khi dày hơn hoặc thưa hơn. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục