Eritrea bổ nhiệm Đại sứ đầu tiên ở Ethiopia sau 2 thập kỷ căng thẳng

Ngày 21/7, Chính phủ Eritrea thông báo bổ nhiệm Đại sứ đầu tiên của nước này tại Ethiopia trong 2 thập kỷ qua, giữa lúc hai nước đang thúc đẩy các nỗ lực bình thường hóa quan hệ.
Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed (trái) và Tổng thống Eritrea Isaias Afwerki tại buổi lễ mở lại Đại sứ quán Eritrea tại Addis Ababa, Ethiopia ngày 16/7 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 21/7, Chính phủ Eritrea thông báo đã bổ nhiệm Đại sứ đầu tiên của nước này tại quốc gia láng giếng Ethiopia trong 2 thập kỷ qua, giữa lúc hai nước đang thúc đẩy các nỗ lực bình thường hóa quan hệ.

Bộ trưởng Thông tin Yemane Meskel thông báo trên trang Twitter rằng Bộ trưởng Giáo dục Semere Russom, người từng giữ chức Đại sứ tại Mỹ, đã được bổ nhiệm làm Đại sứ nước này tại Ethiopia.

Hôm 19/7 vừa qua, Ethiopia cũng đã lần đầu tiên bổ nhiệm Đại sứ nước này tại Eritrea sau 2 thập kỷ căng thẳng ngoại giao song phương.

Ông Redwan Hussien đã được chính quyền Addis Ababa bổ nhiệm giữ chức Đại sứ tại Eritrea. Ông Hussien từng là Đại sứ Ethiopia tại Ireland.

[Ethiopia chính thức bổ nhiệm đại sứ tại Eritrea sau 20 năm]

Những động thái trên cho thấy nỗ lực của hai nước trong việc bình thường hóa quan hệ sau chiến tranh biên giới ác liệt.

Trước đó, ngày 9/7 vừa qua, hai nước đã ký "Tuyên bố chung về hòa bình và hữu nghị," đánh dấu việc tình trạng chiến tranh giữa hai quốc gia láng giềng đã kết thúc.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Eritrea hôm ngày 8/7, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed cho biết hai nước đã bình thường hóa quan hệ, sẽ mở cửa trở lại các đại sứ quán và biên giới, các hãng hàng không và các cảng giao thương, người dân có thể di chuyển giữa hai quốc gia.

Kết quả này đạt được một phần nhờ chủ trương hòa hảo của Thủ tướng Abiy Ahmed sau khi lên nhậm chức hồi tháng Tư vừa qua với đề xuất rút quân khỏi khu vực tranh chấp và tổ chức đàm phán nhằm chấm dứt căng thẳng song phương, mở ra triển vọng bình thường hóa quan hệ.

Chiến tranh biên giới giữa Ethiopia và Eritrea nổ ra từ năm 1998-2000, cướp đi sinh mạng của khoảng 80.000 người trước khi một hiệp định hòa bình được ký kết ngày 12/12/2000.

Tuy nhiên, khu vực biên giới chung giữa hai nước vẫn căng thẳng và tiềm ẩn nguy cơ xung đột vũ trang./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục