ESA: Nguy cơ từ biến đổi khí hậu đáng lo hơn khủng hoảng năng lượng

Những đợt nắng nóng liên tiếp, cùng với cháy rừng, nước sông cạn dần và nhiệt độ mặt đất tăng lên như hiện nay khiến người ta không còn nghi ngờ về những thiệt hại mà biến đổi khí hậu gây ra.
ESA: Nguy cơ từ biến đổi khí hậu đáng lo hơn khủng hoảng năng lượng ảnh 1Vết nứt tại thềm băng Larsen C ở Nam Cực. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người đứng đầu Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) cảnh báo thiệt hại kinh tế từ những đợt nắng nóng và hạn hán có thể lớn hơn nhiều các tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu, đồng thời kêu gọi hành động chống biến đổi khí hậu.

Tổng Giám đốc ESA Josef Aschbacher cho biết những đợt nắng nóng liên tiếp, cùng với cháy rừng, nước sông cạn dần và nhiệt độ mặt đất tăng lên như hiện nay khiến người ta không còn nghi ngờ về những thiệt hại mà biến đổi khí hậu gây ra đối với ngành nông nghiệp và nhiều ngành khác.

Ông nói: “Chúng ta rất lo ngại về khủng hoảng năng lượng - điều này hoàn toàn đúng. Nhưng cuộc khủng hoảng này rất nhỏ so với những tác động của biến đổi khí hậu, vốn lớn hơn nhiều và thực sự cần nhanh chóng ứng phó”.

Thời gian gần đây, những đợt nắng nóng và các trận lũ lụt làm gia tăng những lo ngại về thời tiết cực đoan trên khắp thế giới. Hơn 57.200 hectare rừng đã bị “giặc lửa” thiêu rụi tại Pháp trong năm nay, nhiều gấp 6 lần mức trung bình cả năm từ trước tới nay.

Tại Tây Ban Nha, khô hạn kéo dài đã khiến tháng 7 trở thành tháng nóng nhất kể từ năm 1961. Mực nước tại hồ Great Salt Lake ở bang Utah (Mỹ) và tại sông Po ở Italy đã xuống mức thấp kỷ lục. Sông Loire tại Pháp đang trong danh sách cần theo dõi.

Ngày 9/8, Anh đã ban bố cảnh báo nắng nóng màu hổ phách, tức là “nắng nóng cực đoan" sau khi nhiệt độ đã lên tới 40 độ C.

Nhiệt độ không khí tăng lên không phải là vấn đề duy nhất. Bề mặt Trái Đất cũng đang ngày càng ấm hơn. Ông Aschbacher cho biết các vệ tinh Copernicus Sentinel-3 của ESA đã đo được nhiệt độ bề mặt Trái Đất “cực cao”, tới hơn 45 độ C tại Anh, 50 độ C tại Pháp và 60 độ C tại Tây Ban Nha trong những tuần qua. Ông nói: “Thật sự là toàn bộ hệ sinh thái đang thay đổi rất, rất nhanh, nhanh hơn mọi dự báo của các nhà khoa học cách đây vài năm”.

Ông cho biết nhiệt độ quyết định sự di chuyển của không khí. Hạn hán, cháy rừng, bão lũ tăng cường, mọi thứ cộng lại là những dấu hiệu có thể nhìn thấy được của biến đổi khí hậu. Khi những thay đổi về nhiệt độ lớn hơn, gió sẽ mạnh hơn và bão sẽ lớn hơn. Thực tế là các trận bão đã có cường độ mạnh hơn trước về sức gió và mức độ gây thiệt hại.

[60% diện tích châu Âu đang bị hạn hán do nắng nóng cực đoan]

Nhà khoa học người Áo Aschbacher đã được bầu làm người đứng đầu ESA từ năm ngoái sau khi phụ trách hệ thống quan sát Trái Đất của cơ quan gồm 22 quốc gia này, trong đó có các vệ tinh Copernicus.

ESA gọi hệ thống này là nỗ lực giám sát môi trường lớn nhất thế giới, do Liên minh châu Âu (EU) đồng dẫn đầu. Tổng cộng 6 nhóm vệ tinh Sentinel của chương trình này nhằm “đọc” các “dấu hiệu sống còn” của hành tinh, từ CO2 đến độ cao của sóng hay nhiệt độ mặt đất và các đại dương.

Các hình ảnh từ vệ tinh Copernicus Sentinel-2 được chụp cùng ngày trong tháng 6 của các năm 2020-2022 cho thấy vùng đồng bằng Po (nơi chiếm 1/3 diện tích nông nghiệp tại Italy) đã biến thành các bãi cát lớn như thế nào.

Nhưng chương trình trên đang thiếu khoản ngân sách 750 triệu euro (774 triệu USD) sau Brexit, vốn cần để phát triển thế hệ vệ tinh thứ hai mà Anh lẽ ra phải đóng góp thông qua EU. Sau khi rời EU, Anh vẫn là thành viên ESA và phần đóng góp trực tiếp 170 triệu euro của họ không bị ảnh hưởng.

Ông Aschbacher cho biết: “Chúng tôi vẫn cần 750 triệu euro để hoàn thành kế hoạch phát triển thế hệ vệ tinh thứ hai này. Đây đúng là vấn đề giám sát khí hậu toàn cầu, nhưng cũng là đặc biệt dành cho châu Âu vì nhiều trong số các thông số nhằm ưu tiên cho châu Âu”.

Một gói tài chính cho việc quan sát Trái Đất trị giá ước tính 3 tỷ euro sẽ được các bộ trưởng của ESA thảo luận vào tháng 11 tới. Ông Aschbacher cho biết: “Có người nghĩ là có thể đợi được và trong lúc chờ đợi thì chúng ta sẽ chịu đựng. Người khác lại cho rằng chi quá nhiều tiền để ứng phó với biến đổi khí hậu và ảnh hưởng đến những người nghèo nhất, nên không cần làm”.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng nếu không để ý đến các dấu hiệu cảnh báo như cuộc khủng hoảng thời tiết năm nay, thế giới sẽ thiệt hại hàng trăm nghìn tỷ USD trong thế kỷ này vì biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục